Linh hoạt chuyển sàn

“Cổ phiếu thị giá quá thấp nên chuyển sang UpCoM”

Để hạn chế "hàng hóa" kém chất lượng trên TTCK, cần linh hoạt chuyển đổi, cổ phiếu giá trị quá thấp không giao dịch ở thị trường niêm yết.
Sau 11 năm hoạt động, thị trường chứng khoán mặc dù đã phát triển lớn mạnh về quy mô, song hầu hết các thành viên trên thị trường đều cho rằng các tiêu chuẩn niêm yết hiện đang "tụt hậu" và là một trong các tác nhân tạo ra những "hàng hóa" kém chất lượng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo ông Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), số lượng chứng khoán niêm yết trên thị trường nhiều nhưng chất lượng còn thấp. Đa số các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch là những công ty vừa và nhỏ. Trong số 710 công ty niêm yết, theo đăng ký giao dịch có tới 342 công ty (khoảng 50%) có vốn điều lệ dưới 100 tỷ đồng đồng thời hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết chưa cao, đặc biệt là về quản trị công ty và tính công khai, minh bạch. “Trong thời kỳ khó khăn, đặc biệt là giai đoạn 2010-2011, nhiều công ty niêm yết làm ăn thua lỗ, ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của cổ phiếu niêm yết và niềm tin của các nhà đầu tư. Thêm vào đó, các sản phẩm thị trường còn thiếu đa dạng, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Ngoài cổ phiếu và một số loại trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ đóng, thị trường vẫn chưa có các sản phẩm phái sinh và các công cụ đầu tư khác, vì vậy, hàng hóa thị trường còn khiếm khuyết, chưa có công cụ phòng ngừa rủi ro,” ông Long thẳng thắn đưa ra vấn đề. Số liệu từ SSC cho hay, tính đến cuối năm 2011, tổng mức vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt gần 538 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,13% GDP năm 2011. Hiện trên hai sàn có gần 1,2 triệu tài khoản giao dịch, trong đó có hơn 5.000 nhà đầu tư có tổ chức (chiếm khoảng 4%). Sự tham gia của các nhà đầu tư đã làm tăng khả năng luân chuyển vốn trong nước, thêm vào đó cũng thu hút được một lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể với giá trị danh mục đầu tư nước ngoài đạt 7 tỷ USD (tính đến cuối năm 2011). Khi quy mô và tính hội nhập của thị trường càng tăng thì nhu cầu về chất lượng “hàng hóa” trên thị trường càng phải nâng cao. Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán nhấn mạnh, luật phát và thực thi luật phát phải đặc biệt coi trọng nghiệp vụ phát hành, đó là khâu quyết định quy mô thị trường và chất lượng cổ phiếu. “Thị trường chứng khoán Việt Nam đã qua thời kỳ coi ‘tạo hàng’ là nhiệm vụ trọng tâm. Các công ty đại chúng đã có ý thức được vai trò huy động vốn của thị trường chứng khoán, họ đang cố gắng để được niêm yết và được phát hành chứng khoán trên thị trường tập trung. Do đó, đã đến lúc cần nâng điều kiện niêm yết và điều kiện phát hành chứng khoán ra công chúng,” ông Kỳ nói. Cùng với quan điểm trên, đại diện từ Công ty chứng khoán Bảo Việt đưa ra một số kiến nghị, Ủy ban cần phải có những quy định cụ thể hơn để kiểm soát tính thanh khoản của cổ phiếu và không để các cổ phiếu có thị giá quá thấp, tính thanh khoản kém niêm yết trên thị trường. “Hiện nay, Việt Nam có hai sàn giao dịch dành cho cổ phiếu niêm yết và 1 sàn giao dịch của các công ty đại chúng. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi quy định khi các cổ phiếu có tính thanh khoản kém, thị giá giảm quá thấp thì chuyển qua giao dịch ở sàn UpCoM và ngược lại khi đã đủ điều kiện thì tự động chuyển sang giao dịch trên thị trường niêm yết,” đại diện Chứng khoán Bảo Việt cho hay. Cũng theo vị đại diện này, việc chuyển cổ phiếu giao dịch từ các sàn phải thực hiện hết sức nhanh và linh hoạt, tránh tình trạng mất quá nhiều thời gian để thực hiện chuyển sàn. Mặt khác, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát một cách có hiệu quả hơn các thông tin về sử dụng vốn từ đợt phát hành để đảm bảo các tổ chức phát hành sử dụng vốn đúng mục đích. Thị trường chứng khoán bị sụt giảm sâu trong thời gian dài, đã ảnh hưởng lớn tới lòng tin của giới đầu tư về thị trường. Do đó, đây là thời điểm cần thiết phải tái cấu trúc thị trường một cách nghiêm túc và đồng bộ, lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trả lại cho thị trường chứng khoán chức năng vốn có là kênh dẫn vốn hữu hiệu cho nhà đầu tư và doanh nghiệp./.
 SSC đưa ra giải pháp tái cấu trúc "hàng hóa" trong năm 2012

-  Nâng cao tiêu chí phát hành niêm yết chứng khoán đặc biệt là tiêu chí về lợi nhuận, thời gian hoạt động và quản trị công ty theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phân loại hàng hóa theo tiêu chí để cơ cấu lại thị trường.

-  Hoàn thiện cơ chế quản trị doanh nghiệp, công bố thông tin của các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch theo đó là tăng cường giám sát, cưỡng chế thực thi và đào tạo, phổ cập kiến thức cho doanh nghiệp và công chúng.

-  Phát triển và đưa vào giao dịch các chứng khoán phái sinh theo lộ trình, trước mắt là chứng khoán phái sinh chỉ số.

-  Hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn để tạo ra hàng hóa có chất lượng cao cho thị trường.

-  Thực hiện tái cấu trúc hàng hóa trên thị trường trái phiếu Chính phủ tăng tính thanh khoản và giúp hình thành đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường.

-  Mở rộng các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm, thí điểm thực hiện bảo hiểm trong nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm cho các cơ sở khám chữa bệnh…; đánh giá và từng bước mở rộng các sản phẩn bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư, bảo hiểm vi mô phục vụ người có thu nhập thấp./.
Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục