Công tác đối ngoại tiếp tục chủ động, toàn diện

Trong bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, công tác đối ngoại tiếp tục được triển khai tích cực, chủ động và toàn diện.
Tối 5/11, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 18, nghe và đóng góp ý kiến vào “Báo cáo của Chính phủ về tình hình thế giới và công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2009”; dự thảo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về tình hình thế giới và công tác đối ngoại của Nhà nước trong năm qua. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Son chủ trì phiên họp.

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước tiếp tục được triển khai tích cực, chủ động và toàn diện theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, song có trọng tâm, trọng điểm nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài nhằm góp phần khắc phục tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Các hoạt động ngoại giao song phương được triển khai tích cực nhằm làm sâu sắc thêm các mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, nước công nghiệp phát triển, nước bạn bè truyền thống, các đối tác tiềm năng.

Công tác ngoại giao đa phương thu được những kết quả quan trọng, thể hiện vai trò, vị thế ngày càng được nâng cao của Việt Nam với tư cách một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Công tác ngoại giao kinh tế tập trung ưu tiên tranh thủ các nguồn lực bên ngoài nhằm giải quyết những khó khăn trong nước; kết hợp chặt chẽ chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại, tăng cường nội dung kinh tế trong các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo cấp cao, đẩy mạnh xúc tiến kinh tế đối ngoại nhằm duy trì và thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, ODA, du lịch.

Năm ngoại giao văn hóa 2009 được triển khai tích cực với nhiều hoạt động có ý nghĩa như Lễ hội Việt Nam tại Singapore và Mátxcơva; Tuần lễ Việt Nam tại một số thành phố lớn của Nhật Bản; tuyên truyền, vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long; vận động UNESCO công nhận các di sản của Việt Nam.

Ngoại giao văn hóa bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng: Cù Lao Chàm và mũi Cà Mau được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; quan họ Bắc Ninh và Ca Trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể...

Công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai hiệu quả với nhiều hoạt động lớn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đền ơn đáp nghĩa và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Với việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung điều 126 Luật Nhà ở và điều 121 Luật Đất đai, đến nay Đảng Nhà nước đã giải quyết cơ bản các vấn đề chính sách liên quan đến lợi ích thiết thân của bà con Việt kiều (visa, quốc tịch, nhà ở...) tạo sự tin tưởng và gắn bó của kiều bào với đất nước.

Công tác bảo hộ công dân được triển khai kịp thời và hiệu quả nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của công dân ta ở nước ngoài; phối hợp chặt chẽ với các nước liên quan để thiết lập cơ sở pháp lỹ rõ ràng cho lao động, công dân Việt Nam ở nước ngoài làm ăn sinh sống thuận lợi và ổn định.

Các hoạt động đối ngoại Đảng, hoạt động đối ngoại của Quốc hội, hoạt động ngoại giao nhân dân, hoạt động đối ngoại quốc phòng-an ninh, hoạt động đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương... tiếp tục được triển khai một cách chủ động, tích cực và thu được nhiều kết quả quan trọng.

Cơ bản nhất trí với đánh giá kết quả hoạt động đối ngoại đạt được trong năm 2009, cũng như phương hướng công tác đối ngoại của Nhà nước trong thời gian tới, các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong lĩnh vực đối ngoại để đáp ứng những yêu cầu của tình hình mới, chủ động, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục