Ngoại trưởng Pakistan tới Ấn Độ nối lại hòa đàm

Ngày 26/7, Ngoại trưởng Pakistan đã tới thủ đô New Delhi, Ấn Độ để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình giữa 2 quốc gia Nam Á này.
Ngày 26/7, nữ Ngoại trưởng đầu tiên của Pakistan, bà Hina Rabbani Khar, đã tới thủ đô New Delhi của Ấn Độ để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai quốc gia Nam Á này.

Tại đây, bà đã kêu gọi hai nước gạt bỏ những "gánh nặng" lịch sử để hướng tới mục tiêu trở thành "những láng giềng thân thiện" của nhau.

Ngoại trưởng Pakistan tuyên bố Islamabad và New Delhi đã "rút ra được nhiều bài học từ lịch sử nhưng không nên để lịch sử đè nặng." Bà cũng nhấn mạnh rằng hai nước cùng có trách nhiệm trong việc đảm bảo một khu vực Nam Á ổn định.

Dự kiến, bà Khar sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Krishna vào ngày 27/7 tới. Đây là cuộc đối thoại cấp Ngoại trưởng lần đầu tiên giữa hai nước trong một năm qua. New Delhi đã ngừng các cuộc đối thoại hòa bình với Islamabad sau các vụ tấn công vào Mumbai năm 2008 mà họ cho là do các tay súng ẩn náu tại Pakistan tiến hành.

Kể từ đó, hai nước đã không ngừng nỗ lực để nối lại hòa đàm, tập trung vào các biện pháp xây dựng lòng tin cơ bản và gạt sang một bên các tranh chấp lãnh thổ chính.

Nhằm chuẩn bị cuộc hội đàm này, ngày 26/7, các Thứ trưởng Ngoại giao của hai nước đã gặp nhau tại New Delhi. Cuộc gặp được phía Ấn Độ đánh giá là "thân thiện và tích cực."

Trong khi đó, phát biểu tại một hội nghị quân sự cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tiến trình hòa bình hiện nay, dù không đạt đột phá nào trong ngắn hạn. Ông bày tỏ hy vọng thông qua đối thoại, hai bên sẽ tìm được một giải pháp lâu dài.

Trước đó, trong chuyến thăm Ấn Độ tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã bày tỏ "rất phấn khích" trước cuộc đối thoại giữa các lãnh đạo ngành ngoại giao Ấn Độ và Pakistan.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, ít khả năng cuộc hội đàm sẽ đạt được tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề từng phá hỏng quan hệ của hai nước láng giềng này trong 60 năm qua, khiến khu vực Nam Á trở nên bất ổn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục