Tuần hành ở châu Âu kêu gọi chống biến đổi khí hậu

Các cuộc tuần hành ở nhiều nước nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo đạt được thỏa thuận về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ngày 5/12, các cuộc tuần hành đã diễn ra rầm rộ ở nhiều nước châu Âu nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đạt được thỏa thuận về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, dự kiến diễn ra từ ngày 7-18/12 tới ở Copenhagen, Đan Mạch.

Tại Anh, khoảng 20.000 người, trong đó nhiều người mặc trang phục và vẽ mặt màu xanh, đã tham gia cuộc tuần hành do liên minh các nhóm Hòa bình Xanh và các tổ chức từ thiện ở nước này phát động.

Những người tuần hành đi qua trung tâm thủ đô London, sau đó kéo đến trụ sở Hạ viện kêu gọi Chính phủ Anh đấu tranh vì một thỏa thuận toàn diện, công bằng và mang tính ràng buộc về biến đổi khí hậu tại Hội nghị Copenhagen sắp tới. Một nhóm nhà hoạt động môi trường sau đó đã dựng lều tại quảng trường Trafalgar ở trung tâm thủ đô.

Trong khi đó, hàng nghìn người cũng tham gia các cuộc tuần hành chống biến đổi khí hậu ở Glasgow và thủ phủ Belfast của Cộng hòa Bắc Ireland thuộc Anh.

Tại Bỉ, khoảng 15.000 người đã tuần hành tại thủ đô Brussels vào thời điểm nhiều đại biểu châu Âu lên chuyến tàu "Tốc hành Xanh", chuyến tàu thải ít khí điôxít cácbon (CO2), để đến Copenhagen tham dự hội nghị của Liên hợp quốc.

Cuộc tuần huần của các nhà hoạt động môi trường ở Đức đặc biệt hơn nhằm cảnh báo thực trạng mực nước biển dâng cao do tác động của biến đổi khí hậu. Họ cải trang giống Tổng thống Mỹ Barak Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn đối với những nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu và tiến hành "họp bàn tròn" trong trạng thái nước ngập tới cằm tại cổng Brandenburg ở thủ đô Berlin.

Các hoạt động tuần hành tương tự cũng diễn ra ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển, thủ đô Paris cùng một số thành phố lớn khác của Pháp với hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thể hiện tinh thần trách nhiệm hơn trước tình trạng ấm lên của Trái Đất.

Theo thông báo của ban tổ chức Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, số nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ xác nhận tham dự hội nghị đã lên tới 100 người, cao hơn nhiều so với hội nghị cho ra đời Nghị định thư Kyoto. Tổng thống Mỹ Obama đã quyết định tham dự hội nghị thay vì chỉ ghé qua Copenhagen trên đường tới Na Uy nhận giải Nobel Hòa bình như kế hoạch ban đầu.

Trước thềm hội nghị, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thông báo đang hỗ trợ tích cực các nước đang phát triển nâng cao năng lực thương lượng hiệu quả tại hội nghị để đạt được thỏa thuận về biến đổi khí hậu khả quan nhất đối với các nước đang phát triển cũng như năng lực tiếp cận các nguồn tài trợ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

UNDP khẳng định chống biến đổi khí hậu là chương trình hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu của UNDP, đặc biệt hỗ trợ các nước nghèo bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong khi họ không phải là những nước ít phải chịu trách nhiệm nhất trong việc gây ra tình trạng này.

Từ năm 2004-2008, UNDP đã hỗ trợ các nước đang phát triển hơn 2 tỷ USD để thực hiện các dự án bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục