Thủ tướng Đan Mạch công bố thành phần nội các mới

Nữ Thủ tướng đầu tiên của Đan Mạch, bà Helle Thorning-Schmidt ngày 3/10 đã công bố thành phần nội các mới gồm 23 bộ trưởng.
Nữ Thủ tướng đầu tiên của Đan Mạch, bà Helle Thorning-Schmidt ngày 3/10 đã công bố thành phần nội các mới gồm 23 bộ trưởng, trong đó 11 bộ trưởng là người của đảng Dân chủ Xã hội (SDP), các ghế bộ trưởng còn lại thuộc về đảng Tự do Xã hội (SLP) và đảng Nhân dân Xã hội chủ nghĩa (SPP).

Cũng theo danh sách nhân sự mới được công bố, Chủ tịch SPP, Villy Soevndal giữ chức Ngoại trưởng, trong khi Chủ tịch SLP, Margrethe Vestager giữ chức Bộ trưởng Kinh tế và Nội vụ.

Bộ trưởng Tài chính là Bjarne Corydon, người của SDP. Các ghế Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Quốc phòng lần lượt thuộc về Morten Boedskov và Nick Haekkerup.

Sau khi thông báo thành phần nội các mới, bà Helle Thorning-Schmidt cho biết, ngoài cương lĩnh hành động đã công bố, Chính phủ liên minh giữa ba đảng SDP, SLP và SPP do bà làm Thủ tướng còn đặt mục tiêu đến cuối năm 2014 rút hết binh sỹ Đan Mạch khỏi Afghanistan và xem xét thông qua quyết định về việc cử binh sĩ nước này tham gia các chiến dịch quân sự quốc tế.

Trong lĩnh vực môi trường, Chính phủ của bà Helle Thorning-Schmidt lên kế hoạch đến năm 2020 giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990 và sản xuất 50% tổng lượng điện của cả nước bằng các nguồn năng lượng thay thế.

Ngoài ra, Nội các mới còn xem xét bãi bỏ các biện pháp thắt chặt kiểm soát biên giới với các nước láng giềng trong khuôn khổ Hiệp ước Schengen, trước hết là với Đức và Thụy Điển, mà chính phủ tiền nhiệm đã áp dụng hồi giữa năm nay. Giờ đây Đan Mạch sẽ giải quyết các vấn đề biên giới trong sự phối hợp hành động chặt chẽ với các nước láng giềng mà không vượt ra ngoài khuôn khổ Hiệp ước Schengen.

Tháng 5/2011, dưới sức ép chống làn sóng nhập cư và buôn người bất hợp pháp của đảng Nhân dân Đan Mạch, Chính phủ do cựu Thủ tướng Lars Loekke Ramussen đứng đầu đã cho dựng các trạm kiểm soát hải quan dọc biên giới với các nước láng giềng. Việc này gây nên phản ứng mạnh mẽ không chỉ từ phía các nước giáp giới với Đan Mạch, mà còn từ phía Liên minh châu Âu, với cáo buộc Copenhagen vi phạm quyền tự do đi lại của công dân theo quy định của Hiệp ước Schengen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục