IDB và Trung Quốc lập quỹ đầu tư trị giá 1 tỷ USD

Ngân hàng IDB và Trung Quốc sẽ thành lập một quỹ đầu tư trị giá 1 tỷ USD, tập trung tài trợ cho các dự án phát triển ở Mỹ Latinh.  
Ngân hàng phát triển liên Mỹ (IDB) và Trung Quốc sẽ thành lập một quỹ đầu tư trị giá 1 tỷ USD, tập trung tài trợ cho các dự án phát triển bền vững tại Mỹ Latinh.  

Phát biểu với báo chí ngày 19/3 trong khi tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 53 của IDB tại Montevideo (Uruguay), Chủ tịch IDB Luis Alberto Moreno khẳng định việc thành lập quỹ thể hiện sự quan tâm của Trung Quốc đối với Mỹ Latinh, và sẽ giúp khu vực này vượt qua một số thách thức quan trọng nhất trong quá trình phát triển. Đây là kết quả của việc triển khai ý định thư ký năm 2011 giữa IDB và Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

Hiện hai ngân hàng này đang chọn lựa các công ty có nhiệm vụ quản lý quỹ và tìm kiếm thêm nguồn tài trợ trên thị trường. Trong giai đoạn đầu, IDB và Eximbank sẽ góp mỗi bên 150 triệu USD. Theo dự kiến, quỹ sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay.

Để cung cấp nguyên liệu cho một nền kinh tế đang phát triển nhanh, trong suốt một thập kỷ qua, Trung Quốc đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào khu vực Mỹ Latinh, từ Mexicô đến Argentina để có được tài sản chiến lược hoặc các công ty trong các lĩnh vực như dầu mỏ, khoáng sản và thực phẩm. Chủ tịch Moreno nói thêm: "Điều đó cho thấy sự quan tâm to lớn của Trung Quốc đối với khu vực Mỹ Latinh."

Sự phát triển nhanh đã giúp Trung Quốc vượt Mỹ và trở thành đối tác thương mại chính của Brazil cũng như phát triển phong phú các mặt hàng ở nhiều nước Mỹ Latinh khác. Các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh đã quan tâm hơn tới các giao dịch thương mại và đầu tư với Bắc Kinh nhằm bù đắp cho tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ và châu Âu.

Trung Quốc đã có hiệp định thương mại tự do với Chile và Peru. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đang có nguy cơ ảnh hưởng tới nhiều loại hàng hóa- vốn là thế mạnh của một số quốc gia Mỹ Latinh như Brazil, Chile và Peru.  

Thư ký thường trực Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) bà Alicia Bárcena cũng cho hay đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào khu vực này năm ngoái đạt kỷ lục 138 tỷ USD, một phần là nhờ đầu tư từ Trung Quốc tăng. Bà cho biết năm ngoái Trung Quốc tiếp tục là nguồn FDI lớn thứ ba cho Mỹ Latinh.

Năm 2010, Trung Quốc chiếm 9% FDI tại khu vực này, đứng sau Mỹ (17%) và Hà Lan (13%), nhưng đứng trên Canada và Tây Ban Nha (đều chiếm 4%).

Quang Sơn-Thanh Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục