USD phục hồi sau khi thấp kỷ lục so với đồng yen

Sau khi chạm mức thấp kỷ lục trong tuần trước so với đồng yen, đồng USD phục hồi tăng nhẹ lên 76,72 yen/USD tại thị trường New York.
Sau khi chạm mức thấp kỷ lục trong tuần trước so với đồng yen, đồng USD phục hồi trong phiên giao dịch ngày 22/8 khi Chính phủ Nhật Bản tỏ dấu hiệu sẵn sàng can thiệp nhằm chặn đà tăng giá đồng nội tệ để bảo vệ xuất khẩu.

Trong phiên giao dịch buổi chiều tại Tokyo, đồng USD tăng nhẹ lên 76,72 yen/USD, so với 76,5 yen tại New York cuối tuần trước, sau khi giảm xuống mức thấp thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai là 75,95 yen/USD.

Trong khi đó, đồng euro giảm xuống 1,4364 USD so với 1,4398 USD và gần như không thay đổi so với đồng yen, tăng từ 110,15 yen lên 110,19 yen/euro.

Cùng với đồng yen, đồng franc Thụy Sĩ đã thu hút các nhà đầu tư mua vào giữa lúc có những lo ngại lớn về tăng trưởng yếu của kinh tế Mỹ và khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro.

Đồng franc giảm giá so với đồng bạc xanh, từ 0,7849 franc xuống 0,7856 franc, trong khi tăng giá so với đồng euro, từ 1,1381 franc lên 1,1284 franc.

Giới truyền thông Nhật Bản cuối tuần trước đưa tin chính phủ nước này đã sẵn sàng hành động để ngăn chặn đà tăng giá của đồng yen, với khả năng sẽ can thiệp vào thị trường thông qua việc bán ra đồng tiền này.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản được cho là cũng đang cân nhắc việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa.

Hồi đầu tháng, nước này đã bán đồng yen, mua vào đồng USD, nhằm hạ giá đồng nội tệ, bảo vệ các nhà xuất khẩu.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda lo ngại đồng yen sẽ còn tăng giá hơn nữa so với đồng USD.

Nhà giao dịch Tomohiro Ishikawa ở Chuo Mitsui Trust and Banking cho rằng khi các nhà đầu tư vẫn thận trọng sau thông tin về sự can thiệp thị trường của Nhật Bản, vị thế bất lợi của đồng USD hiện nay sẽ chưa thể đảo ngược ít nhất cho đến sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke có bài phát biểu vào cuối tuần này.

Đồng USD chịu sức ép sau khi FED cam kết hồi đầu tháng này về việc duy trì mức lãi suất gần 0% trong hai năm tới nhằm chống đỡ nền kinh tế đang có những vấn đề về nợ công.

Khi khả năng tiến hành nới lỏng định lượng lần thứ ba (QE3) đang vấp phải trở ngại lớn, FED rất có thể phải đưa ra một giải pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong phiên giao dịch cùng ngày, đồng USD giảm giá so với nhiều đồng tiền châu Á khác như đồng đôla Singapore, đồng rupiah Indonesia, đồng peso Philippines và đồng baht Thái Lan, trong khi tăng giá so với đồng won Hàn Quốc và đồng đôla Đài Loan./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục