Trung Quốc tăng cường hỗ trợ các nước châu Phi

Theo Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, mục đích khi giúp châu Phi là tăng cường vai trò của Trung Quốc trong sự phát triển chung.
Ngày 8/11, Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) lần thứ tư đã khai mạc tại khu du lịch Sharm El-Sheikh bên bờ Biển Đỏ của Ai Cập, với sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cùng lãnh đạo 49 quốc gia châu Phi.

Dự thảo thỏa thuận, được ký chính thức ngày 9/11, cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ châu Phi và giảm hoặc xóa nợ cho một số nước.

Tại Hội nghị cấp cao FOCAC lần thứ ba ở Bắc Kinh năm 2006, Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ 5 tỷ USD cho châu Phi. Đến nay, Bắc Kinh cũng đã giảm hoặc xóa nợ cho 31 nước châu Phi.

Phát biểu trước khi dự Hội nghị cấp cao FOCAC lần lần này, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh Trung Quốc không chỉ quan tâm đến các nguồn tài nguyên năng lượng của châu Phi. Mục đích của Trung Quốc trong việc giúp đỡ châu Phi là tăng cường vai trò của Trung Quốc trong sự phát triển chung.

Trong một thập kỷ qua, nhất là 5 năm gần đây, Trung Quốc và các nước châu Phi không ngừng tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Phi. Trong 5 năm, từ 2003-2008, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi tăng từ 491 triệu USD lên 7,8 tỷ USD. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều vượt 100 tỷ USD vào năm 2008.

Cùng với việc phát triển thương mại với châu Phi, Trung Quốc cũng tăng cường hỗ trợ các nước châu Phi xây dựng trường học, bệnh viện, phòng điều trị bệnh lao và cấp học bổng cho sinh viên du học tại Trung Quốc.

Hội nghị cấp cao FOCAC là cơ hội để châu Phi có thêm những cam kết mới từ Trung Quốc, giúp châu Phi tăng cường củng cố và phát triển kinh tế cũng như an ninh khu vực. Đối với Trung Quốc, việc đóng vai trò chủ đạo trong FOCAC sẽ giúp nước này không ngừng củng cố vị thế và ảnh hưởng tại châu Phi.

Hội nghị lần này nhiều khả năng sẽ có những bước tiến mới trong việc thành lập các cơ chế phục vụ sự phát triển ổn định lâu dài quan hệ Trung Quốc-châu Phi. Một số lĩnh vực nhiều khả năng sẽ được tập trung thảo luận hội nghị gồm thành lập cơ chế đối thoại chính trị chiến lược, cơ chế đối thoại kinh tế chiến lược và quỹ trao đổi văn hóa.

Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ tập trung bàn thảo vấn đề liên quan lĩnh vực lương thực, nông nghiệp, hoạt động gìn giữ hòa bình, hợp tác khoa học, công nghệ, giáo dục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục