Sau Nam Phi 2010 sẽ đợi chờ gì ở Brazil 2014?

World Cup 2010 khép lại, một hành trình mới bắt đầu với mục tiêu hướng đến vòng chung kết World Cup 2014 tại xứ sở samba, Brazil.
Tạm biệt Nam Phi! Khi trái bóng Jabulani ngừng lăn trên sân Soccer City sau trận chung kết giữa Tây Ban Nha và Hà Lan, một hành trình mới lại bắt đầu với mục tiêu hướng đến vòng chung kết World Cup 2014 tại xứ sở samba, Brazil.

Theo quy tắc luân phiên, vòng chung kết World Cup sẽ trở lại Tây bán cầu sau khi đã được tổ chức tại Nhật Bản-Hàn Quốc (châu Á), Đức (châu Âu), Nam Phi (châu Phi). Nhưng đối với riêng khu vực Mỹ Latin thì sự chờ đợi đã kéo dài hơn 3 thập kỷ (kể từ Argentina 1978).

Chính vì vậy, người Nam Mỹ đang rất háo hức chờ đón sự kiện này, đặc biệt là khi họ khát khao trả món nợ vừa mới vay ở mũi Hảo vọng. Hoàn toàn áp đảo sau vòng bảng, biến vòng chung kết World Cup 2010 thành Copa America mở rộng ở vòng 1/8, nhưng rốt cục, các đại diện Nam Mỹ đã phải chứng kiến châu Âu chiếm ba vị trí cao nhất.

Cán cân quyền lực đang tạm nghiêng về châu Âu (9-8), nhưng 4 năm nữa, lợi thế sẽ lại thuộc về Nam Mỹ.

Nhìn chung, Nam Phi đã có một vòng chung kết thành công về mặt tổ chức. Và đó cũng sẽ là một thách thức không nhỏ cho Brazil, quốc gia lần thứ hai được đăng cai sự kiện này (lần đầu là năm 1950).

Công tác chuẩn bị cho ngày hội bóng đá thế giới 2014 đã được triển khai từ hai năm nay, nhưng vẫn còn khá nhiều vấn đề cần phải giải quyết rốt ráo về mặt cơ sở hạ tầng cũng như sự đảm bảo về mặt tài chính từ phía chính phủ.

4 năm không phải là ngắn, nhưng nó cũng sẽ trôi rất nhanh nếu như Brazil không biết tận dụng những khoảng thời gian ấy. Dưới đây là một vài đánh giá và dự đoán về Brazil 2014.

Brazil đã sẵn sàng?

Brazil đã đưa ra được những kế hoạch khá chu đáo về công tác tổ chức, tuy nhiên, việc triển khai thì không hề trơn tru như những dự liệu ban đầu.

Vòng chung kết năm 2014 sẽ được diễn ra ở 12 sân vận động, trong đó có 4 sân được xây mới, 6 sân nâng cấp, và 1 sân xây lại. Trường hợp duy nhất chưa có bất cứ động thái tu sửa nào là sân Morumbi ở Sao Paulo (!?).

An toàn sân bãi cũng là vấn đề nhức nhối nhất là khi không ít sân vận động ở Brazil đang bị xuống cấp trầm trọng và hồi năm ngoái, đã có những tai nạn thương tâm khiến hàng chục người thiệt mạng vì sụt khán đài.

Tất nhiên, dưới sức ép của các quan chức Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), các sân vận động thi đấu và cơ sở hạ tầng đi kèm đang được thúc đẩy nhanh hơn. Theo dự kiến, sân Maracana huyền thoại sẽ là nơi diễn ra trận chung kết của vòng chung kết năm 2014. Dĩ nhiên, sức chứa của sân sẽ không lớn như hồi năm 1950 nữa bởi toàn bộ khán đài sẽ được lắp ghế ngồi, cùng với những khu vực chuyên biệt khác.

Nhưng một vòng chung kết World Cup không chỉ gói gọn trong những sân thi đấu. Sẽ còn rất nhiều thứ cần cải thiện ở Brazil như đường sá, sân bay, khách sạn. Để xây dựng và làm mới cả một hệ thống này là nhiệm vụ không hề đơn giản với Brazil, quốc gia có mức sống không hề cao như nhiều nước châu Âu.

Tất nhiên, được đăng cai một vòng chung kết World Cup cũng sẽ là một cơ hội lớn về du lịch và dịch vụ cũng như quảng bá hình ảnh của đất nước đối với toàn thế giới.

Bộ mặt nào cho Selecao?

Đó là vấn đề mà người Brazil quan tâm nhiều nhất. 60 năm trước, đội bóng vàng xanh đã được thi đấu trên sân nhà nhưng lại để tuột mất chức vô địch vào tay kình địch Uruguay.

Người Brazil không tha thứ cho thất bại ấy, và việc thủ thành Barbosa bị nguyền rủa từ đó đến nay là một minh chứng. Mặc dù vẫn đang giữ kỷ lục 5 lần vô địch thế giới, song Brazil không bao giờ thiếu khát vọng. Thất bại ở Nam Phi vừa qua càng tạo thêm động lực cho đội bóng này khi giải đấu được tổ chức trên sân nhà.

Về mặt lối chơi, người ta đang háo hức chờ đợi xem Selecao thời kỳ hậu Dunga sẽ đi theo một tư tưởng nào? Tiếp tục đường lối thực dụng như Carlos Dunga, hay trở lại với phong thái samba cống hiến như truyền thống. Người hâm mộ dĩ nhiên luôn muốn tuyển Brazil chơi đẹp và chiến thắng.

Song áp lực thành tích sẽ chi phối không nhỏ đến tư tưởng của các huấn luyện viên. Và thi đấu ở sân nhà chưa chắc đã là một lợi thế của Brazil vì lịch sử cho thấy, sức ép tại đây là cực lớn.

Nam Mỹ sẽ chiếm lợi thế?

Trước vòng chung kết World Cup 2010, Brazil là đội bóng duy nhất vô địch thế giới ngoài châu lục. Nhưng hiện giờ, châu Âu đã cho thấy họ cũng đã lập được kỳ tích ấy khi trận chung kết giữa Tây Ban Nha và Hà Lan là một phiên bản của chung kết EURO.

Nhưng châu Phi vốn bị coi là thế giới thứ ba của bóng đá, chứ không có đẳng cấp cao như Nam Mỹ. Trong lịch sử, các đội bóng ở Tây Bán cầu cũng chưa bao giờ đánh mất cúp vàng khi giải được tổ chức ở châu lục họ. Ngoài yếu tố lịch sử, họ còn có nhiều lợi thế khác về điều kiện khí hậu, độ cao, v.v...

Cùng với đó, người Nam Mỹ cũng đang rất khát khao báo thù khi 3 ứng cử viên hàng đầu của họ bị bật bãi ở vòng tứ kết World Cup 2010. Đó là lần thứ hai liên tiếp châu Âu cất tiếng nói áp đảo ở vòng bán kết. 7 trong số 8 đội ở hai vòng bán kết năm 2006, 2010 đến từ lục địa già, ngoại lệ duy nhất là Uruguay, đội bóng xếp thứ 4 ở giải lần này.

Thay đổi về thể thức?

Một loạt những sai sót ở vòng chung kết năm 2010 đã làm tan nát trái tim của không ít cổ động viên. Từ những sai lầm của các thủ môn với sự lạ kỳ về quỹ đạo của trái bóng Jabulani, cho tới sai lầm hàng loạt từ phía những ông vua sân cỏ dấy lên những tranh cãi về việc có nên áp dụng công nghệ video trong bóng đá hay không.

Bốn năm có thể sẽ mang đến những khác biệt về mặt thể thức và quy định trong cuộc chơi sân cỏ này. Liệu những nỗi buồn của người Mỹ, Anh và Mexico có lặp lại hay không. Cái đó thì chẳng ai nói trước được điều gì./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục