NHNN đẩy mạnh kênh thông tin "cảnh báo tín dụng"

Web Cảnh báo tín dụng với đa dạng thông tin được đánh giá là kênh tin cậy, duy nhất hiện nay cung cấp thông tin đến khách hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, với hàng triệu bản trả lời tin mỗi năm, cung cấp theo yêu cầu của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng, Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã đóng góp tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin quản lý vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước và thông tin thẩm định, đánh giá, kiểm tra khách hàng của các ngân hàng.

Đặc biệt, trang web Cảnh báo tín dụng (http://cib.vn/), với đa dạng thông tin cảnh báo, được đánh giá là kênh thông tin đáng tin cậy và duy nhất hiện nay cung cấp những thông tin liên quan đến cảnh báo khách hàng vay vốn.

Trang web cảnh báo tín dụng là một trong bốn trang web nghiệp vụ của CIC, chuyên đăng tải thông tin về nợ xấu của ngân hàng và khách hàng, đặc biệt là thông tin tiêu cực về khách hàng vay, cung cấp đến các đối tượng sử dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, phục vụ nhu cầu quản lý vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước và nhu cầu quản trị rủi ro của tổ chức tín dụng.

Hiện tại, thông tin trên trang web cảnh báo tín dụng bao gồm thông tin cảnh báo liên quan đến tổ chức tín dụng; thông tin cảnh báo liên quan đến ngành, vùng kinh tế, tỉnh/thành phố; thông tin cảnh báo liên quan đến khách hàng vay.

Thời gian tới, CIC có kế hoạch tăng cường thêm thông tin cảnh báo như khách hàng cá nhân có độ rủi ro cao, doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu thấp, hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, khách hàng có biểu hiện đảo nợ, khách hàng của tổ chức tín dụng được gia hạn nợ, điều chỉnh nợ tại tổ chức tín dụng khác...

CIC khuyến khích các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đăng ký khai thác (hoàn toàn miễn phí) trang web cảnh báo tín dụng để có thông tin hỗ trợ việc quản lý Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Đồng thời, CIC cũng khuyến cáo các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng đăng ký khai thác thông tin trên trang web này (với mức phí thấp, được CIC hỗ trợ) để phục vụ cho công tác thẩm định, phân tích, đánh giá, phân loại, kiểm tra, theo dõi khách hàng, nhờ đó mà trích lập dự phòng rủi ro được phù hợp, phòng tránh rủi ro trong hoạt động tín dụng./.

Thu Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục