Làm rõ nợ của các doanh nghiệp ngành giao thông

Nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ thực chất những con số nợ phải trả của một số doanh nghiệp xây dựng cơ bản ngành giao thông. 
Những con số tổng nợ phải trả của một số doanh nghiệp xây dựng cơ bản ngành giao thông vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố trong bản báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khiến dư luận cả nước giật mình.

Tuy nhiên, đây là vấn đề khá nhạy cảm và theo lãnh đạo các tổng công ty này thì cần phải nhìn nhận khách quan và làm rõ hơn thực chất của những con số nợ khổng lồ này để không ảnh hưởng đến công tác đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo bản báo cáo này, tính đến 31/12/2008, nhiều tổng công ty trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông có tỷ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao. Trong số đó, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 đứng đầu danh sách với con số nợ gấp 21,6 lần; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 ít hơn nhưng cũng gấp 14 lần; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 là 12 lần.

Đây quả thật là những con số không hề "đẹp" nếu so với bảng thành tích và những đóng góp của những đơn vị có truyền thống và kinh nghiệm bậc nhất trong lĩnh vực xây dựng của ngành giao thông vận tải. Những con số nợ khổng lồ này cũng khiến dư luận không khỏi nghi ngại về công tác đầu tư, kinh doanh của các tổng công ty có số lao động lên đến hàng nghìn người này.

Tuy nhiên, sau khi bản báo cáo trên được công bố, nhiều lãnh đạo các tổng công ty trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông cho rằng, những con số trên chưa phản ánh đúng thực chất tình hình đầu tư, kinh doanh tại các đơn vị và mong cần phân tích, làm rõ cụ thể hơn vấn đề nợ đọng tại các doanh nghiệp.

Theo ông Cấn Hồng Lai, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, cần phải làm rõ thực chất những con số tổng nợ của các doanh nghiệp xây dựng cơ bản giao thông, bởi nếu chỉ nhìn vào tổng nợ phải trả thì không thật khách quan. Khi tính nợ của doanh nghiệp, việc căn cứ trên cả nợ phải trả và nợ phải thu là cần thiết.

Hiện nay, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 đã không còn nợ quá hạn tại các ngân hàng và tổng số nợ phải thu tồn đọng tại các dự án, công trình dang dở còn lại rất lớn.

Hơn nữa, khi doanh nghiệp vay được vốn tại các ngân hàng chứng tỏ các doanh nghiệp đó còn làm ăn được, bởi các ngân hàng khi cho vay thường phân loại rất kỹ các nhóm doanh nghiệp.

Một điểm khác là khi tính vốn chủ sở hữu thì phải tính cả vốn nhà nước và cả vốn khi cổ phần hóa. Chẳng hạn như vốn chủ sở hữu nhà nước của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 là 217 tỷ đồng, nhưng khi cổ phần hóa thì số vốn này chỉ chiếm khoảng 40% tổng số vốn điều lệ của tổng công ty.

Cùng chung quan điểm này, ông Vũ Hải Thanh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 chia sẻ, việc làm rõ những con số nợ của các đơn vị là hết sức quan trọng bởi nó liên quan rất lớn đến công tác đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hiện nay vốn sở hữu của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 là khoảng 180 tỷ đồng và tổng vốn vay khoảng 600 tỷ đồng. Như vậy tổng nợ của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 chỉ khoảng 3- 4 lần, nhưng không hiểu sao khi công bố, con số này lại lên đến 12 lần.

Ông Phạm Quang Vinh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 cho rằng, việc công bố con số nợ trên chưa phản ánh đúng bản chất thực tại các doanh nghiệp.

Hiện nay, vốn sở hữu của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 là 180 tỷ đồng nhưng khi lấy làm căn cứ để tính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ tính có 80 tỷ đồng. Chính vì vậy, tổng số nợ của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 mới đội lên đến 14 lần.

Về tài chính, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 từ trước đến nay luôn là đơn vị lành mạnh, thực tế là hiện nay, tổng công ty đang tập trung thi công hàng chục dự án lớn trên khắp cả nước nhưng tất cả đều hoạt động bình thường, không có dự án nào bị đình trệ hoặc chậm tiến độ do thiếu vốn.

Trong 10 tháng của năm 2009, hầu hết các đơn vị của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 đều không chậm lương của cán bộ công nhân viên và lương bình quân của toàn tổng công ty vẫn đạt mức bình quân 3,5 triệu đồng/người. Số tiền đầu tư cho thiết bị công nghệ trong năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009 đạt trên 100 tỷ đồng.

Tính đến 30/10/2009, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 đã hoàn thành 93% kế hoạch cả năm 2009.

Cũng theo ông Phạm Quang Vinh, việc tính cả tiền tạm ứng vào số nợ phải trả như trong thời gian vừa qua cũng không hợp lý, bởi đây là tiền chủ đầu tư ứng vốn để cho nhà thầu triển khai thi công tại công trình chứ không phải doanh nghiệp đi vay.

Một điểm khác cũng cần phải làm rõ hơn khi tính nợ của doanh nghiệp đó là tiền đầu tư trang thiết bị.

Thời gian vừa qua, Chính phủ cho vay hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các doanh nghiệp mua sắm, đổi mới trang thiết bị máy móc.

“Việc này được các doanh nghiệp, đặc biệt Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 đang triển khai rất hiệu quả thì vay vốn là tích cực chứ đâu có gì nghiêm trọng và đáng lo ngại”, ông Vinh nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục