Thị trường game online đón chờ "làn gió nội"

"Thuận Thiên Kiếm" do VinaGame sản xuất ra mắt vào tháng 8/2009 sẽ đánh dấu bước chuyển từ "nhập game" sang "làm game".
Sự kiện game online (trò chơi điện tử trực tuyến) "Thuận Thiên Kiếm" do VinaGame trực tiếp sản xuất và giữ bản quyền sẽ ra mắt vào tháng 8/2009 đánh dấu bước chuyển mình của ngành công nghiệp game Việt Nam từ "nhập game" sang "làm game".

Ngóng chờ game Việt

Cho tới thời điểm này, hơn 10 nhà phát hành đã gia nhập thị trường game ở Việt Nam với gần 50 tựa game, nhưng tất cả đều là game ngoại nhập.

Qua tìm hiểu cho thấy, dù có tâm lý sính đồ ngoại, nhưng những người chơi game vẫn muốn tìm kiếm những game mới lạ, có nội dung, hình ảnh gần gũi, quen thuộc với người Việt Nam.

Điều này có thể thấy rõ khi các trò chơi của nước ngoài được Việt hóa khi du nhập vào Việt Nam được đông đảo người chơi đón nhận. Tuy vậy, những game này vẫn có lúc không tránh khỏi sai sót khi nói đến lịch sử Việt Nam, khiến nhiều người chơi game có hiểu biết về lịch sử bất bình như Thiên Long Bát bộ và Linh Vương.

Được tin một game của Việt Nam sắp phát hành, game thủ Đinh Hoàng Quốc Đông mong ngóng từng ngày. Hoàng tâm sự: "Mình đã chơi qua nhiều game, nhưng chưa bao giờ được chơi game Việt nên rất muốn chơi cho biết. Các bạn trong nhóm của mình cũng bàn tán nhiều và rất quan tâm về chuyện này."

Giống như Đông, 4 triệu người chơi game online ở Việt Nam cũng chờ đợi một ngày được chơi game của Việt Nam.

Không chỉ hấp dẫn với người chơi, game do Việt Nam tự sản xuất "từ A đến Z" chính là mối quan tâm lớn nhất của đội ngũ làm nghề thiết kế game vốn còn ít ỏi.

Lê Thanh Tùng - nhân viên thiết kế game cho một công ty nước ngoài cho biết: "Giới thiết kế game luôn muốn nhìn thấy game Việt. Ai cũng có ý tưởng làm game cho Việt Nam, nhưng còn rụt rè vì chưa biết thị trường đón nhận ra sao. Vì thế nhiều người vừa làm vừa coi chừng, chờ đợi người khác làm trước."

Cùng với những bạn trẻ khác, Lê Thanh Tùng đang miệt mài dồn tâm huyết cho một dự án game Việt.

"Làm game" không dễ

Trước nhu cầu được chơi "game nội", thay vì nhập khẩu thì một số doanh nghiệp nội bắt đầu nghĩ đến phương án chuyển hướng sang tự sản xuất. "Phát súng" đầu tiên khai hỏa vào lĩnh vực mới mẻ này là của VinaGame.

Sau nhiều năm hứa hẹn, ngày 12/8, dự án game Việt đầu tiên mang tên "Thuận Thiên Kiếm" do VinaGame thiết kế và phát triển sẽ chính thức bước vào giai đoạn Close Beta (thử nghiệm hạn chế). Dự kiến, game này sẽ được phát hành trong tháng 8/2009.

Thuận Thiên Kiếm khai thác bối cảnh loạn lạc thời Hậu Lê. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Đối ngoại của VinaGame cho biết: "Thuận Thiên Kiếm chắc chắn sẽ là một "làn gió lạ" vừa mang đến cho cộng đồng game thủ cảm giác mới mẻ, vừa cho người chơi cơ hội hiểu thêm về văn hóa và lịch sử Việt Nam."

Việc làm game online mang đậm bản sắc Việt Nam không dễ. Bởi để tái tạo được chi tiết hình ảnh lịch sử thực sự riêng của Việt Nam (về trang phục, kiến trúc, ẩm thực, phong tục…) đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiên cứu công phu thuộc nhiều lĩnh vực như: Khảo cổ, nghiên cứu lịch sử, văn hóa…Trong khi đó, những tài liệu này ở Việt Nam còn rất thiếu.

Theo ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Giám đốc VTC Game: "Làm game thuần Việt không nhất thiết phải là game về lịch sử Việt, như vậy rất khó. Sẽ dễ dàng hơn nếu làm những game trẻ trung, trong đó lồng ghép những yếu tố đặc trưng gợi không khí Việt Nam như: Giai điệu âm nhạc truyền thống, hình ảnh cây đa giếng nước sân đình…".

Khi làm game, doanh nghiệp còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về nhân lực, vật lực và tài lực. Chẳng hạn để xây dựng Thuận Thiên Kiếm, VinaGame đã phải đầu tư một dự án trong hơn 2 năm. Chi phí làm game thì cao gấp 3-4 lần so với việc mua một game tương tự từ nước ngoài về để Việt hóa và phát hành.

Thực tế, không phải chỉ có VinaGame mới nghĩ đến việc tự sản xuất game online, một số công ty khác cũng đang ấp ủ dự định này. Nhưng năng lực tài chính và kinh nghiệm sản xuất game chưa đủ mạnh khiến họ chưa thể vội vàng.

Nhận định thị trường game Việt, ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh cho rằng: "Sau một thời gian nhập game, các doanh nghiệp trong nước đã quan tâm nhiều hơn tới chuyện làm game. Sản xuất game thuần Việt sẽ trở thành xu hướng tất yếu"./.
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục