Nam Phi: Bảo vệ các loài động vật quý hiếm

Trước việc nạn săn bắn trộm tê giác ngày càng nghiêm trọng, Nam Phi đã lập các đội đặc nhiệm bảo vệ khu vực bảo tồn thiên nhiên.
Lực lượng chống săn bắn trộm động vật hoang dã quý hiếm của Nam Phi cho biết, loài tê giác quý hiếm có thể biến mất khỏi danh sách động vật hoang dã của Nam Phi trong vòng 20 năm tới nếu các cơ quan chức năng không tiến hành các biện pháp bảo vệ tốt hơn ở các công viên và khu bảo tồn sinh thái.

Theo thống kê, ở Nam Phi trung bình 3 ngày có 1 con tê giác bị giết. Hiện nước này có 17.771 con tê giác trắng và đen, chiếm 1/3 tổng số tê giác trên thế giới.

Do nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại khu vực thị trường châu Á tăng mạnh, cộng với lợi nhuận cao chỉ sau buôn bán vũ khí và ma túy, nạn săn bắn trộm tê giác ở Nam Phi ngày càng nghiêm trọng.

Trước tình hình trên, Chính phủ Nam Phi cam kết thành lập các đội đặc nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái và các khu vực bảo tồn thiên nhiên.

Các cơ quan chức năng đã được Chính phủ đầu tư thêm nhiều kinh phí, mua sắm các trang thiết bị hiện đại như máy bay tuần tiễu loại nhỏ, xe tuần tra, gắn chíp điện tử trên tê giác và sừng tê giác, tuyển lựa và đào tạo các lực lượng chuyên trách nhằm ngăn chặn tệ nạn săn bắn trộm các loài động vật quý hiếm. Xung quanh của các khu vực sinh thái, bảo tồn động vật quý hiếm đã được lắp đặt hệ thống hàng rào điện tử...

Tuy nhiên, do sừng tê giác mang lại siêu lợi nhuận, nên bọn săn bắn trộm không chỉ gia tăng hoạt động phạm pháp này, mà còn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi và các phương tiện săn bắn hiện đại, cũng như cấu kết với các băng nhóm tội phạm địa phương để mua chuộc nhà chức trách, lách luật để có giấy phép săn bắn tại các công viên và khu bảo tồn..., khiến công tác chống tệ nạn săn bắn trộm tê giác tại Nam Phi kém hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục