"Nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc khó giảm"

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc đang tăng trưởng ở mức 30-50%/năm nhưng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc vẫn chưa được cải thiện. Bên lề Hội nghị tham tán thương mại Việt Nam 2011 ngày 15/12, Nguyễn Duy Phú, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho rằng để giảm nhập siêu từ Trung Quốc, cần tập trung như nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu; cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc đang tăng trưởng ở mức 30-50%/năm nhưng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc vẫn chưa được cải thiện.

Bên lề Hội nghị tham tán thương mại Việt Nam 2011 ngày 15/12, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Duy Phú, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc về cơ hội, thách thức cũng như những giải pháp để cải thiện kim ngạch thương mại hai chiều này.

- Ông đánh giá như thế nào về triển vọng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc?

Ông Nguyễn Duy Phú: Trung Quốc là thị trường lớn trên thế giới với 1,3 tỷ dân có mức thu nhập bình quân gần 5.000 USD/người/năm. Trung Quốc cũng đã công bố đổi mới cơ cấu ngoại thương; trong đó mở rộng nhập khẩu với các mặt hàng nguyên liệu khoáng sản, công nghệ tiên tiến và công nghệ cao. Vì vậy, đây là thị trường tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam.

Hiện Việt Nam vẫn xuất khẩu sang Trung Quốc 3 nhóm hàng lớn gồm nông lâm thủy hải sản; khoáng sản và hàng công nghiệp. Đối với nhóm hàng công nghiệp, cùng với thực tế đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là đầu tư của các tập đoàn lớn như Samsung, xuất khẩu hàng công nghệ cao, hàng điện tử chất lượng tốt sẽ tăng lên trong thời gian tới. Đối với nhóm hàng nông sản, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này vẫn tăng đều.

Tuy nhiên, vừa qua, Trung Quốc đã ra một số quy chế mới buộc các doanh nghiệp nước ngoài muốn xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản, trái cây vào Trung Quốc phải đăng ký doanh nghiệp. Quy chế này cho thấy Trung Quốc đang tăng cường việc quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nhóm hàng thiết yếu nhưng cũng là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ đúng quy định sẽ có được đầu ra xuất khẩu ổn định để không bị mất thị trường.

- Tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Trụng Quốc đang ngày càng gia tăng. Là tham tán thương mại tại Trung Quốc, ông có cảnh báo gi với doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Nguyễn Duy Phú: Việt Nam và Trung Quốc chưa phải đối mặt với các vụ kiện bán chống phá giá. Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc nhận thấy có sự tăng lên về các vụ tranh chấp dân sự trong quá trình doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về, nhất là các nhóm hàng có tiêu chuẩn không rõ ràng như hóa chất.

Thời gian qua, Thương vụ đã phải tham gia giải quyết các tranh chấp dân sự khi hàng hóa nhập về Việt Nam không đúng như tiêu chuẩn chất lượng ghi trong hợp đồng mà hai bên đã ký kết. Tuy nhiên, thương vụ chỉ là cơ quan đại diện của Nhà nước về thương mại tại nước sở tại; không có thẩm quyền, chức năng của cơ quan hải quan hay trọng tài thương mại nên chỉ hỗ trợ được doanh nghiệp bằng cách liên lạc với các cơ quan chức năng liên quan của Trung Quốc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước giải quyết vụ việc.

Với thực tế này, tôi muốn cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, nhất là các hàng hóa mà tiêu chuẩn chưa rõ ràng thì phải kiểm nghiệm trước khi đóng hàng lên tàu chuyên chở về Việt Nam. Để hàng đã lên tàu mà không có sự kiểm nghiệm thì khi hàng hóa nhập khẩu đã về Việt Nam sẽ khó giải quyết tranh chấp cũng như mất thời gian và thiệt hại kinh tế.

Vừa qua, có công ty của Trung Quốc đăng ký chỉ dẫn địa lý càphê Buôn Mê Thuột của Việt Nam. Đây là bài học cho các doanh nghiệp có thương hiệu phải tìm hiểu pháp luật quốc tế cũng như pháp luật của Việt Nam về thương hiệu, nhanh chóng đăng ký thương hiệu tại các thị trường cần thiết. Bên cạnh đó, các hiệp hội liên quan cần phối hợp chặt chẽ với thương vụ Việt Nam tại các nước để có được các thông tin chính xác về đăng ký thương hiệu, trình tự kiện tụng, xử lý các tranh chấp.

Theo tôi, khi phía Trung Quốc dùng pháp lý để đăng ký tên miền càphê Buôn Mê Thuột thì phía Việt Nam cũng nên dùng biện pháp pháp lý để đòi lại tên miền. Trên cơ sở pháp lý của Việt Nam, của Trung Quốc và pháp luật quốc tế, tôi tin tưởng là Việt Nam sẽ đòi lại được tên miền càphê này.

- Theo số liệu của hải quan, nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc 11 tháng năm 2011 đang ở con số “khổng lồ” 12,36 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ 2010 và bằng gần 140% giá trị nhập siêu cả nước. Theo ông triển vọng giảm nhập siêu với Trung Quốc trong thời gian tới và những giải pháp cần tập trung?

Ông Nguyễn Duy Phú: Trong thời gian trước mắt, nhập siêu Việt Nam-Trung Quốc chưa thể giảm mạnh được bởi có một số yếu tố tác động như cơ cấu ngành hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao chưa thể tăng đột biến được.

Bên cạnh đó, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam ngày một gia tăng khiến cho nhập khẩu thiết bị vào Việt Nam cũng gia tăng. Đặc biệt, nhận thầu công trình của Trung Quốc ở Việt Nam cũng tăng mạnh nên nhập khẩu thiết bị đi kèm cũng gia tăng khiến nhập siêu của Việt Nam vì thế mà khó giảm.

Hiện Việt Nam đứng thứ 5 trong tổng số 10 thị trường lớn nhất của Trung Quốc về nhận thầu công trình quốc tế ở hải ngoại. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu với Trung Quốc cũng bị tăng về giá trị do giá thành hàng hóa sản xuất của Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây khi đồng NDT tăng giá, giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng, giá nhân công tăng. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hàng Trung Quốc thì cũng chịu những tác động bất lợi này.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang giữ được tốc độ 50%/năm. 11 tháng của năm 2011, xuất khẩu Việt Nam-Trung Quốc đã 9,8 tỷ USD. Tuy nhiên, đồng thời, với tăng trưởng mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc, Việt Nam cũng nhập khẩu mạnh hơn các hàng hóa, nguyên vật liệu, thiết bị từ Trung Quốc để sản xuất.

Theo tôi, để giảm nhập siêu từ Trung Quốc, các giải pháp quan trọng cần tập trung gồm nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng chuyển sang các mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng cao để tạo ra bước đột phá trong xuất khẩu. Bởi khi không thể tăng nhanh sản lượng xuất khẩu thì phải tăng về giá trị. Về tổng thể, do hàng công nghiệp là mặt hàng mang lại giá trị lớn nhất nên thời gian tới cần tập trung mạnh hơn cho nhóm hàng công nghệ cao.

Cùng với các giải pháp để tăng kim ngạch xuất khẩu, san bớt khoảng cách giữa nhập khẩu và xuất khẩu thì các cơ quan chức năng cần có các biện pháp quyết liệt để giảm nhập khẩu, nhất là với nhóm hàng hóa thiết bị, nguyên phụ liệu mà trong nước đã sản xuất được./.

Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục