Phương án B cho Hy Lạp

Eurozone đã chuẩn bị "phương án B" cho Hy Lạp

Eurozone đang chuẩn bị "Phương án B" đề phòng trường hợp Quốc hội Hy Lạp không thông qua chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới.
Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang chuẩn bị "Phương án B" cho Hy Lạp đề phòng trường hợp Quốc hội nước này không thông qua chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới.

Một quan chức châu Âu giấu tên tiết lộ thông tin này ngày 27/6, khi Quốc hội Hy Lạp bắt đầu phiên thảo luận về một loạt biện pháp cắt giảm ngân sách và tư nhân hóa mà Athens đệ trình.

Từ chối tiết lộ thông tin chi tiết, song quan chức trên khẳng định Eurozone không chỉ suy nghĩ về "Phương án B" cho Hy Lạp, mà thực sự đang soạn thảo phương án này.

"Phương án B" có thể tính đến việc tái khởi động Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF), được thiết lập để cứu trợ các nước rơi vào khủng hoảng nợ công trong Liên minh châu Âu (EU), nhưng sẽ hết hiệu lực vào năm 2013.

Tuy nhiên, các nước EU khó chấp nhận giải pháp này nếu không có sự tham gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới của Hy Lạp.

Trả lời phỏng vấn báo giới ngày 26/6, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết giới chức tài chính Eurozone hy vọng Quốc hội Hy Lạp sẽ mở đường để Athens thực hiện chương trình khắc khổ mới bất chấp sự phản đối từ phe đối lập và trong dân chúng, song sẵn sàng đón nhận kịch bản xấu nhất xảy ra tại Hy Lạp và có thể đối phó cho dù Athens vỡ nợ. Ông nhấn mạnh Eurozone cần làm mọi việc cần thiết để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ công leo thang ở châu Âu.

Tại Hy Lạp, Thủ tướng George Papandreou hối thúc các nghị sỹ bày tỏ lòng yêu nước bằng việc giúp chấm dứt thời kỳ bất ổn định hiện nay. Ông khẳng định chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới của chính phủ sẽ mang lại cho Hy Lạp một sự khởi đầu mới, hướng tới nền kinh tế tăng trưởng.

Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venigelos kêu gọi các nghị sỹ không để cho các ngân hàng Hy Lạp "cháy túi" vào đầu tháng Bảy, thời điểm Athens bắt đầu phải thanh toán những khoản nợ đáo hạn.

Ngày 20/6 vừa qua, các bộ trưởng tài chính Eurozone đặt điều kiện cho Hy Lạp trong vòng hai tuần sau đó phải thông qua chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới để được giải ngân khoản cứu trợ thứ năm trị giá 12 tỷ euro trong gói cứu trợ 110 triệu euro mà EU và IMF đã đồng ý cấp cho Hy Lạp hồi năm ngoái.

Nếu không nhận được số tiền này kịp thời, Hy Lạp sẽ trở thành nước đầu tiên trong Eurozone bị vỡ nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục