ECB giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1%

Trong cuộc họp ngày 6/5 tại Lisbon, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lại suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1%.
Trong cuộc họp ngày 6/5 tại Lisbon, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lại suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1%, trong khi nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đến các nước khác trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).

Theo nhà kinh tế Gilles Moec tại Deutsche Bank, đồng euro đang đứng trước thách thức lớn nhất trong lịch sử 11 năm. Ông hối thúc ít nhất ECB nên thực hiện các biện pháp hỗ trợ đặc biệt về tiền mặt như cung cấp trở lại các khoản vay không hạn chế có thời hạn một năm cho các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, các thị trường cũng đã dự đoán về khả năng này.

Chủ tịch Eurozone Jean-Claude Juncker mới đây đã bác bỏ khả năng sụp đổ của đồng euro, khi cho rằng điều này là không có cơ sở.

Theo nhà kinh tế Mỹ Nouriel Roubini, không thể loại trừ khả năng xấu nhất đối với đồng tiền chung châu Âu, khi một số nước trong Eurozone cũng đang gặp khó khăn tương tự Hy Lạp. Bồ Đào Nha là nước bị đe dọa lớn nhất, khi chi phí đi vay của nước này đang tăng lên, do nợ công đã vượt ba lần so với mức giới hạn 3% GDP.

Ngày 3/5, ECB đã bất ngờ thông báo sẽ chấp nhận trái phiếu chính phủ của Hy Lạp như vật thế chấp cho các khoản vay của Ngân hàng Trung ương nước này, cho dù cơ quan xếp hạng tín dụng Standard and Poor's hạ xếp hạng của Hy Lạp xuống mức rất thấp.

Động thái của ECB là sự giải vây quan trọng đối với các ngân hàng và Chính phủ Hy Lạp, mặc dù các nhà phân tích vẫn đặt câu hỏi về khả năng khuất phục của các nhà lãnh đạo nước này trước sức ép chính trị.

Nhiều người cho rằng ECB sẽ phải dùng đến các biện pháp mạnh hơn nữa như mua trái phiếu chính phủ.

Tại Hy Lạp, các công đoàn đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ, điều kiện để nhận được khoản viện trợ 110 tỷ euro (143 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Căng thẳng ở châu Âu gia tăng khi cơ quan xếp hạng quốc tế Moody's cảnh báo tình trạng tồi tệ của Hy Lạp có thể có ảnh hưởng xấu tới xếp hạng tín dụng của các ngân hàng Anh, Ireland, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp đã khiến đồng euro giảm giá xuống mức thấp nhất trong hơn một năm vào ngày 6/5, khi chạm mức 1,2737 USD./.

Lê Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục