Hành khách “Titanic 2.0” phải chịu thiệt khi lên tàu

Luật sư John Artur Eaves tố cáo việc hành khách đã bị nhà tàu Costa Concordia bắt ký nhiều điều khoản vô lương tâm khi mua vé.
Luật sư người Mỹ John Artur Eaves, đại diện cho hơn 70 hành khách và các thủy thủ đoàn trên con tàu Costa Concordia, đã lên tiếng kêu gọi có những thay đổi mạnh mẽ trong ngành công nghiệp tàu du lịch cao cấp sau thảm họa chìm tàu tháng trước.

Ông này đồng thời cũng tố cáo việc hành khách đã bị nhà tàu bắt ký nhiều điều khoản vô lương tâm khi mua vé lên tàu.

Luật sư John Artur Eaves đến từ bang Mississippi cho rằng nên có những khóa huấn luyện kỹ càng hơn cho thủy thủ đoàn, những người đứng đầu phải chịu nhiều trách nhiệm hơn đồng thời phải có một hệ thống định vị tàu tương tự như ngành hàng không.

“Đã tới lúc phải thay đổi ngành công nghiệp này để tai nạn như trên không bao giờ xảy ra nữa,” phát biểu tại một cuộc họp báo tại Rome.

“Chúng ta đã tuân thủ những điều luật trước đây, song luật hàng hải có những lỗ hổng và không thiết thực so với bối cảnh hiện tại,” ông tuyên bố.

Eaves cũng nhắc tới những điều khoản “vô lương tâm” mà các hành khách tàu Costa Concordia phải ký khi mua vé. Theo đó, những điều khoản này trói buộc rằng bất cứ hành động kiện cáo nào liên quan tới con tàu đều phải diễn ra tại Italy để giảm thiểu những thiệt hại cho công ty mẹ.

[Ba công dân Việt trên tàu Costa Concordia an toàn]

Con tàu Costa Concordia đã đâm phải đá ngầm và mắc kẹt tại hòn đảo Tuscan vùng Giglio ngày 13/1, khiến 32 người trong tổng số 4.299 hành khách bị thiệt mạng.

Eaves cho rằng khoản tiền đền bù 14.000 USD (tương đương 11.000 euro) cho mỗi hành khách trên tàu được những người đứng đầu hãng Costa Crociere – công ty con thuộc tập đoàn Mỹ Carnival Corp – là “thiếu tôn trọng” và yêu cầu mức bồi thường tối thiểu phải là 100.000 USD.

Ông nhấn mạnh rằng, theo luật pháp Mỹ, bất cứ thân chủ nào của ông cũng sẽ chỉ phải đâm đơn kiện đã được điền sẵn bởi một công ty luật tại Mỹ, bao gồm tất cả hành khách và thủy thủ đoàn.

Eaves nói rằng kiện từng người sẽ “có kết quả nhanh hơn” khi chỉ mất tầm một tới hai năm thay vì bốn tới năm năm ở tòa.

Trong trường hợp kiện hãng Carnival, đây là một trường hợp với hợp đồng vô cùng đặc biệt bởi các hành khách đã kí đồng ý việc hầu tòa sẽ chỉ diễn ra tại Italy, ông cho biết.

“Hãng Carnival sắp đặt và điều hành tất cả. Đó là lý do tại sao chúng tôi tìn rằng Carnival phải chịu trách nhiệm,” ông trả lời.

“Tôi tin rằng Costa và Carnival đều đã được bồi thường bảo hiểm. Do đó tôi không nghĩ khoản tiền đền bù sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của cả hai công ty,” Eaves tiết lộ.

Eaves trước đây đã từng là người đại diện cho gia đình các nạn nhân các vụ đánh bom tại Kenya và Tanzania vào năm 1998, cũng như vụ một chiếc máy bay Mỹ đâm vào một cáp treo tại dãy Alps, Italy khiến 20 người thiệt mạng năm 1998.

Sáu hành khách của con tàu Costa Concordia vào tháng trước đã đâm đơn kiện công ty mẹ Carnival có trụ sở tại bang Florida, với tổng đền bù được yêu cầu lên tới 460 triệu USD.

Một thủy thủ trên tàu cũng đã gửi đơn kiện lên tòa án tại Chicago.

Các công tố viên Pháp đã mở một cuộc điều tra và một nhóm 19 hành khách người Đức cũng đã đâm đơn kiện với cá nhân thuyền trưởng con tàu Francesco Schettino, người đang bị bắt giữ tại Italy về tội ngộ sát và bỏ tàu trước hành khách./.

L.Q (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục