Hội thảo về tài nguyên biển châu Á tại Indonesia

Hội thảo nhất trí rằng các biện pháp xây dựng lòng tin ở Biển Đông giữa ASEAN-Trung Quốc, đặc biệt là DOC 2002 đã giúp kiềm chế căng thẳng.
Ngày 12/12, Văn phòng quốc gia nghiên cứu châu Á, có trụ sở tại Mỹ, đã phối hợp với Trung tâm Habibi của Indonesia tổ chức cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Các nguồn tài nguyên năng lượng biển ở châu Á: Cơ hội cho sự phát triển chung.”

Hơn 70 đại biểu, là các học giả, các nhà nghiên cứu đến từ nhiều nước trên thế giới và đại diện một số đại sứ quán nước ngoài tại Jakarta, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc, đã tham dự sự kiện này.

Trong phát biểu khai mạc, Giám đốc điều hành Trung tâm Habibi Ima Abdurahim đã nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thảo, trong bối cảnh các tranh chấp về chủ quyền biển ở Đông Á và Đông Nam Á hiện là một trong những mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất đối với an ninh và kinh tế của các nước trong khu vực và trên toàn cầu.

Bà nêu rõ các tuyến hàng hải trong khu vực có ý nghĩa sống còn đối với tự do thương mại, có thể giúp duy trì kinh tế của các nước tuyên bố chủ quyền cũng như các nước sử dụng các tuyến đường biển này.

Giáo sư Clive Schofield, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc gia Australia đã trình bày các tuyên bố cạnh tranh về chủ quyền biển ở Đông Á và Đông Nam Á. Ông cảnh báo việc nhiều nước tăng cường lực lượng hải quân, xây dựng căn cứ quân sự khiến tình hình trong khu vực luôn căng thẳng và là ngòi nổ cho một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại hóa quân đội, gây bất ổn cho hòa bình, an ninh trong khu vực.

Trong khi đó, Giáo sư Hasjim Djalal, cố vấn cấp cao của Bộ Biển và Nghề cá Indonesia, đã trình bày tham luận về tiếp cận các giải pháp cho tranh chấp chủ quyền biển ở Đông Á và Đông Nam Á. Ông nhấn mạnh đây là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi thiện chí của tất cả các bên cũng như thời gian lâu dài để có thể đi đến một giải pháp chính trị. Do đó, phát triển và khai thác chung các nguồn tài nguyên tại những vùng biển tranh chấp là giải pháp tối ưu nhất.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung trình bày về hợp tác biển và trách nhiệm của các quốc gia trên đại dương, bài học về sự phát triển chung cũng như cách tiếp cận các giải pháp cho tranh chấp chủ quyền. Các đại biểu nhấn mạnh các bên cần tôn trọng lẫn nhau và vấn đề cần được giải quyết trên cơ sở đối thoại, không đe dọa sử dụng vũ lực.

Hội thảo cũng nhất trí cho rằng các biện pháp xây dựng lòng tin ở Biển Đông giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, đặc biệt là Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) năm 2002 đã giúp kiềm chế căng thẳng trong khu vực và là cơ sở cho hai bên hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính chất ràng buộc hơn về mặt pháp lý và tuân thủ tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục