Khởi động cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong

Sau hơn 3 năm chuẩn bị, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động) sẽ được khởi công vào ngày 31/10.
Sau hơn 3 năm chuẩn bị, ngày 31/10, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức khởi công xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động).

Cách đây hơn 3 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 92/2006/ QĐ-TTg ngày 25/ 4/ 2006 về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), với mục tiêu xây dựng và phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành khu kinh tế tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng hải sản, các ngành kinh tế khác và xây dựng các khu đô thị...

Xét về quy mô, hình thành và phát triển Khu kinh tế Vân Phong là một trong những đề án lớn nhất nước. Chính điều đó khiến ai nấy đều liên tưởng đến tầm vóc của một “người khổng lồ” trong tương lai, không chỉ có ý nghĩa về các mặt kinh tế- xã hội cho riêng tỉnh Khánh Hòa, mà nó lan toả ra cả khu vực miền Trung và cả nước.

Khu kinh tế Vân Phong có diện tích 150.000ha, trong đó diện tích phần mặt nước 80.000ha, phần đất liền 70.000ha, thuộc hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa. Vân Phong được đề xuất xây dựng thành cảng trung chuyển quốc tế của Việt Nam từ những năm đầu thập niên 90, và trải qua thời gian khá dài với nhiều tranh luận giữa các nhà quản lý, kinh tế, khoa học... để cuối cùng thống nhất trở lại đúng với nhu cầu thực tế và điều kiện thuận lợi mà chỉ có cảng nước sâu này giữ vai trò độc tôn.

Do gần các tuyến hàng hải quốc tế lớn, vịnh có mức nước sâu từ 20- 27m, được đồi núi che chắn bốn phía, địa chất tốt, diện tích rộng, lại gần các tuyến đường quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc- Nam..., nên cho phép giảm từ 60%- 80% vốn đầu tư xây dựng so với cảng biển có quy mô tương tự nếu xây dựng ở vùng biển hở (do không phải làm đê chắn sóng, không vét luồng tàu chạy và khu nước bể cảng, không gia cố nền đất xây dựng bãi...).

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàng- Trưởng phòng quản lý dự án Khu kinh tế vịnh Vân Phong, giai đoạn khởi động này, sẽ xây dựng 2 cầu cảng thuộc địa bàn xã Vạn Thạnh, có tổng chiều dài 690m, công suất 0,7 triệu TEU/ năm, với tổng mức đầu tư trên 6.170 tỷ đồng.

Hiện nay, Tổng công ty hàng hải Việt Nam và tỉnh Khánh Hoà đã hoàn tất các công việc chuẩn bị cho ngày khởi công. Trung tuần tháng 10 này, tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thuê đất để thực hiện dự án với quy mô 42ha ở giai đoạn đầu.

Mặc dù cảng trung chuyển quốc tế chưa được tiến hành xây dựng, nhưng với vị trí đặc biệt thuận lợi để phát triển tiềm năng kinh tế biển, thời gian qua, Khu kinh tế Vân Phong đã có những bước chuyển biến khởi sắc trong các hoạt động thu hút đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện khảo sát, đăng ký hoặc tiến hành đầu tư.

Thời điểm này đã có tổng số hơn 80 dự án và tổng vốn đăng ký hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 20 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn thực hiện 299 triệu USD; 39 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,4 tỷ USD; 13 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Nhân dâm tỉnh Khánh Hòa đồng ý chủ trương hoặc đang thực hiện thủ tục đăng ký với tổng vốn dự kiến tương đương hơn 13 tỷ USD.

Đặc biệt, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được một số dự án có quy mô đầu tư lớn, có tính động lực phát triển của Khu kinh tế, của vùng Nam Trung bộ và cả nước như: tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (4,5 tỷ USD); trung tâm nhiệt điện Vân Phong (3,8 tỷ USD), khu đô thị mới Tu Bông và khu du thuyền cao cấp (3,5 tỷ USD)...

Theo ông Nguyễn Trọng Hòa- Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, để đáp ứng tiềm năng thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng ở đây phải sớm được đầu tư một cách đồng bộ và toàn diện, nhằm phục vụ cho các dự án khi đi vào xây dựng và hoạt động.

Chính vì vậy, một phương án phát hành trái phiếu đã được Hội đống Nhân dân tỉnh thảo luận, thông qua hồi tháng 7 năm nay. Theo đó, từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ huy động 10.055 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho cả khu vực này, trong đó có 1.700 tỷ đồng phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, còn lại là các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay, vốn từ quỹ đất...

Với quy mô tầm cỡ của khu kinh tế Vân Phong và vai trò chủ đạo của cảng trung chuyển container quốc tế, thì việc khởi công xây dựng cảng giai đoạn khởi động này, có thể xem là bước chân đầu tiên của “người khổng lồ”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục