Trái đất có thể nóng hơn vì khí mêtan đáy biển

Theo các nhà khoa học Bắc cực, khí mêtan gây hiệu ứng nhà kính mạnh thoát ra từ đáy biển Bắc Cực có thể đẩy nhanh độ ấm của Trái Đất.
Các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu Bắc cực, ngày 4/3, đã cảnh báo lượng khí mêtan gây hiệu ứng nhà kính mạnh đang thoát ra ngày càng lớn từ đáy biển đóng băng của Bắc Cực có thể đẩy nhanh tốc độ ấm lên của Trái Đất.

Các nhà khoa học Mỹ cho biết hơn 8 triệu tấn khí mêtan, tương đương với lượng mêtan thoát ra từ tất cả các đại dương hàng năm, bị lưu giữ dưới các lớp băng vĩnh cửu ở đáy biển Bắc Cực đã thoát vào khí quyển và con số này tăng lên do băng ở cực Bắc đang tan chảy nhanh chóng.

Lớp băng dưới đáy biển đang mất dần khả năng chôn giữ khí này. Lượng khí mêtan được chôn giữ ở Bắc Cực đang ở mức cao nhất trong vòng 400.000 năm qua.

Tuy nhiên, các nhà khoa học quốc tế chưa trả lời được câu hỏi việc thoát khí mêtan này mới hay đã xảy ra từ nhiều thế kỷ trước mà con người không nhận biết được kể từ cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 18 sử dụng rộng rãi nhiên liệu hóa thạch thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Nhà khoa học Viện Địa hóa sinh Đức Martin Heimann cho rằng việc rò rỉ khí mêtan ở Bắc Cực có thể đã diễn ra từ kỷ nguyên Băng hà cách đây 10.000 năm.

Tuy nhiên, các nhà khoa học nhất trí khuyến nghị cần theo dõi chặt chẽ những biến đổi trong khu vực để phát hiện những dấu hiệu tan chảy các lớp băng vĩnh cửu lưu giữ mêtan dưới đáy biển và một lượng khí mêtan khổng lồ thải vào khí quyển.

Chỉ một phần nhỏ trong lượng mêtan đang bị lưu giữ ở thềm lục địa Bắc Cực ở phía Đông thoát vào khí quyển đã có thể làm Trái Đất nóng lên đột biến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục