"Không thể tiếp tục quản lý đại học theo cách cũ"

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, không thể tiếp tục quản lý chất lượng các trường đại học theo cách cũ như vừa qua.
Ngày 14/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2009 - 2010 khối các trường đại học tại 5 điểm cầu truyền hình Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ với sự tham dự của hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các trường đại học trong cả nước.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: "Chưa bao giờ điều kiện phát triển giáo dục đại học thuận lợi như bây giờ. Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học từ các lực lượng xã hội, từ công tác hợp tác quốc tế… đều đang mở rộng. Chính phủ cũng rất quan tâm đầu tư cho bậc học này."

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, thách thức đặt ra trong công tác quản lý chất lượng các trường đại học cũng lớn hơn bao giờ hết. Không thể tiếp tục quản lý chất lượng các trường đại học theo cách cũ như vừa qua.

Vì thế, năm học 2009 - 2010, khối các trường đại học, cao đẳng cả nước sẽ bắt đầu quyết liệt triển khai lộ trình 3 năm thực hiện Chương trình “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội”.

Ở cấp quốc gia sẽ khẩn trương hoàn thiện, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà trường đai học. Dự kiến sẽ có 12 văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học sẽ được ban hành.

Đáng chú ý trong số này là Nghị định của Chính phủ về phân cấp và phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành và địa phương, tạo sự đồng bộ giữa Bộ Giáo dục- Đào tạo với các bộ, ngành, địa phương trong quản lý các trường đại học, cao đẳng.

Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này và của các bộ, ngành, địa phương khác là các cơ quan chủ quản của một số lượng rất lớn các trường (hơn 100 trường đại học, chiếm gần 2/3 tổng số trường cả nước) đối với quá trình phát triển của trường đại học cần được làm rõ.

Quy mô giáo dục đại học thời gian qua có bước phát triển vượt bậc. Năm 2009 cả nước có hơn 1,7 triệu sinh viên, tăng gần 13 lần so với hơn 133.000 sinh viên năm 1987; trong khi đó các điều kiện để đảm bảo chất lượng đại học không phát triển tương xứng về số lượng giảng viên, giáo trình, cơ sở vật chất...

Phó Thủ tướng chỉ rõ, không thể dùng cách quản lý cũ để áp dụng cho quy mô đào tạo hiện nay. Sắp tới để tăng cường giám sát hoạt động và chất lượng các trường đại học, cần phân cấp mạnh cho cơ sở.

Bộ sẽ chịu trách nhiệm xây dựng các quy chế và hướng dẫn thực hiện, các địa phương có trách nhiệm giám sát việc thực hiên tại các trường đại học đóng trên địa bàn. Các trường thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm, rà soát và hoàn thiện các quy định, quy chế của nhà trường: tuyển dụng theo hợp đồng, trả lương gắn với hiệu quả đóng góp.

Đặc biệt, Bộ sẽ phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện các cam kết trong đề án thành lập trường và mở ngành đào tạo từ năm 2006 trở lại đây; đổi mới Quy chế đánh giá và cho phép mở ngành tuyển sinh: Kiểm tra tại thực tế cơ sở trước 3 tháng; 3 năm sau đó mỗi năm kiểm tra lại 1 lần, hoàn thành Quy chế mới vào tháng 12/2009.

Cũng trong năm 2009, tất cả các đại học phải thực hiện 3 công khai, nếu không sẽ bị cắt chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010. Quý IV năm 2009, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn và yêu cầu tất cả các trường đại học phải công bố Chuẩn đầu ra vào 2010. Cuối 2009, các trường có tổ chuyên trách để đánh giá tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Để tạo động lực mới, Bộ yêu cầu từ năm học này tất cả các trường đều thực hiện sinh viên đánh giá giảng viên; giảng viên đánh giá hoạt động của lãnh đạo trường và các trường đánh giá công tác chỉ đạo, quản lý của bộ, ngành, địa phương chủ quản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục