Ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp vẫn “nóng”

Gần đây, ngộ độc trong các khu công nghiệp đang trở nên “nóng,” khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ với số lượng người mắc lên đến hàng trăm.
Trong thời gian gần đây, ngộ độc trong các khu công nghiệp đang trở thành vấn đề “nóng,” được nhiều người quan tâm khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể với số lượng người mắc lên đến hàng trăm.

Lãnh đạo Cục an toàn vệ sinh thực phẩm đánh giá tình hình ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp vẫn diễn biến phức tạp và tầm kiểm soát, tuy nhiên còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Công nhân lo nơm nớp

Vấn đề ngộ độc thực phẩm xảy ra trong bếp ăn tập thể nói chung và tại các khu công nghiệp nói riêng gia tăng khiến nhiều người dân lo lắng. Bởi có hàng triệu người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của cả nước có nguy cơ bị bào mòn sức khỏe khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Hiện cả nước có 256 khu công nghiệp, khu chế xuất, riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 65 khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, trong quý ba năm 2012 đã xảy ra 67 vụ ngộ độc thực phẩm trong toàn quốc với gần 2.300 người mắc bệnh, hơn 2.200 người phải đi viện và 15 người chết. Trong đó, có 16 vụ ngộ độc lớn trên 30 người.

Đáng lưu ý, ngộ độc xảy ra tập trung tại các gia đình là 36 vụ, chiếm hơn 55% và bếp ăn tập thể là 11 vụ (chiếm 17%). Tuy chỉ chiếm 17% trong tổng số vụ ngộ độc nhưng do mức độ ảnh hưởng rộng nên số lượng nạn nhân rất lớn.

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, trong giai đoạn 2007-2011, từ năm 2007-2011 đã xảy ra 72 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp, khu chế xuất làm gần 7.000 người mắc với gần 6.600 ca phải nhập viện.

Ba tháng gần đây, nhiều vụ ngộ độc tập thể đã xảy ra tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Hải Phòng làm hàng trăm công nhân phải nhập viện điều trị.

Gần đây nhất, vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của Công ty Hansoll Vina, khu công nghiệp Sóng Thần I, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã khiến dư luận xôn xao.

Vụ ngộ độc thực phẩm trên có quy mô lớn với hơn 1.600 người ăn, số người bị ngộ độc thực phẩm phải đi điều trị tại bệnh viện là 238 người.

Điều đáng lưu ý là những vụ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp có mức độ nguy hiểm rất lớn, vì số trường hợp mắc rất nhiều, thường con số người bị ngộ độc lên tới hàng trăm.

Vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm tại các khu công nghiệp nếu không được giải quyết sớm thì những người công nhân hàng ngày vẫn nơm nớp nỗi lo trong từng bữa ăn.

Khó giải quyết được ngay

Phân tích nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc tại các khu công nghiệp, ông Phong cho hay, đối với những cơ sở cung cấp thức ăn cho công nhân ngay tại nhà máy thì ít xảy ra ngộ độc thực phẩm. Các vụ ngộ độc chủ yếu xảy ở những khu công nghiệp mua, sử dụng thực phẩm của các cơ sở cung cấp xuất ăn sẵn từ nơi khác mang đến.

Như vậy, các cơ sở chế biến suất ăn sẵn thường phải vận chuyển thức ăn trên một quãng đường dài, thời gian để thực phẩm từ khi chế biến đến khi ăn lâu hay số lượng phục vụ vượt quá công xuất cho phép (gấp 2-5 lần). Hơn nữa, nhiều người chế biến, phục vụ xuất ăn không có kiến thức về việc chế biến, vận chuyển, bảo quản thực phẩm an toàn… vì vậy việc xảy ra các vụ ngộ độc là điều khó tránh khỏi.

Nguyên nhân nữa phải kể đến là do khẩu phần ăn của công nhân quá thấp. Ông Phong dẫn chứng, trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay mà tại nhiều khu công nghiệp giá thành một suất ăn ở nơi cao là 15.000 đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp có suất ăn trị giá 7.000 đồng, chưa kể đến việc lợi nhuận của những nhà cung cấp dịch vụ thì thực tế khẩu phần của công nhân thế nào.

Ông Phong phân tích: “Vì giá thành suất ăn thấp như vậy thì làm sao họ mua được nguyên liệu tốt, do đó các cơ sở buộc phải sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, không bảo đảm an toàn để chế biến món ăn nên nguy cơ ngộ độc cao.”

Để khắc phục tình trạng này, ông Phong cho hay, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã kiến nghị với các khu công nghiệp và Chính phủ đề xuất xây dựng quỹ đất để cho chính các nhà máy xây dựng bếp ăn tự nguyện cho công nhân.

Hiện nay vấn đề trên chưa có quy chế nên chưa thể bắt ép các khu công nghiệp được. Vì vậy, trước mắt Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện, sau này sẽ có quy chế bắt buộc.

Để giải quyết tình trạng trên, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiến nghị với Chính phủ để Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trong thời gian tới sẽ chung tay giải quyết.

Các đơn vị trên sẽ xây dựng thông tư liên tịch trong đó quy định điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở các khu công nghiệp và có nội dung được quy định khẩu phần ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và vệ sinh thực phẩm./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục