"Cháy" nguyên liệu chè

Chè cháy lá, nhà máy ở Yên Bái "cháy" nguyên liệu

Nhiều doanh nghiệp chế biến chè ở Văn Chấn đang đối mặt với tình trạng "cháy" nguyên liệu do cây chè ở đây bị cháy lá do nắng nóng.
Từ cuối tháng Tư đến hết tháng Năm, tại các nông trường chè của huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) có nắng nóng và gió phơn kéo dài khiến nhiều diện tích chè rơi vào tình trạng cháy búp, cháy lá. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp chế biến chè ở đây đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn về nguyên liệu đầu vào, nhiều nhà máy sản xuất chỉ đạt 30% kế hoạch.

Diện tích chè ở Văn Chấn cho sản lượng gần một nửa tổng sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh Yên Bái. Đời sống của nhân dân ở nhiều xã như chủ yếu dựa vào cây chè như xã Nghĩa Tâm, Cát Thịnh, thị trấn Nông trường Trần Phú, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, xã Tân Thịnh chủ yếu dựa vào cây chè. Sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây chè cũng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu ngân sách của huyện Văn Chấn.

Theo ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện, bình thường vào tháng Ba là thu hái chè xuân; khoảng một tháng sau chè sẽ ra đợt búp tiếp theo. Tuy nhiên, do nay rất ít mưa xuân, trời hanh khô nên đợt búp thứ hai vào tháng Tư không phát triển được, ra toàn búp "mù," nông dân hầu như không thu hoạch được gì.

Tiếp đó, đến cuối tháng Tư đầu tháng Năm trời liên tục nắng nóng kéo dài với nền nhiệt ở mức trên dưới 40 độ c khiến cho những búp chè mù bị cháy lá đồng loạt. Như vậy, chỉ trong tháng Tư và tháng Năm, người trồng chè mất ba lứa thu hoạch. Đáng chú ý, hậu quả lâu dài của việc cháy lá sẽ khiến cây chè không tạo được cấp cành thứ nhất (cấp cành đặc biệt để tạo nên những lứa búp nhiều, búp tốt cho cả niên vụ).

Ông Toản cho biết thêm, dù khí hậu, thời tiết của vùng ngoài huyện Văn Chấn không khắc nghiệt bằng vùng trong nhưng nhiều diện tích chè vẫn bị ảnh hưởng nặng do nắng nóng, đa số diện tích chè năm nay đều rơi vào tình trạng thưa búp, búp nhỏ hơn so với mọi năm.

Bên nương chè gần 1ha bị cháy xém lá do gió nắng nóng và gió Lào, ông Phạm Đức Toản, thôn Thái Lão, thị trấn nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn) than thở: “Năm nay toàn bộ diện tích chè nhà tôi cháy hết lá, thiệt hại lớn nhất cả khu vực. Lá chè rụng xuống phủ kín mặt đất, nếu chỉ đánh rơi tàn thuốc lá là cháy hết cả đồi chè. Giờ này năm ngoái, nhà tôi đã thu được trên 5 tấn nhưng năm nay chưa được một cân nào."

Ông Vũ Tuấn Anh, đội trưởng Đội chè Thái Lão thuộc vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ cho biết, đầu tháng Sáu này nhiều diện tích chè, nhất là giống chè trung du già cỗi mới tạo được cấp cành thứ nhất nhưng cành gầy hơn, thưa hơn các năm trước nên sản lượng chè vùng trong của Văn Chấn chắc chắn "tụt" khoảng 30%.

Hiện tượng cháy lá chè đã ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp, nhà máy chế biến trong vùng, năng suất chỉ đạt từ 30-35 % so với kế hoạch đề ra.

Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần chè Nghĩa Lộ, hiện diện tích của Nông trường chè Nghĩa Lộ gần 400ha nhưng do nắng nóng khiến năng suất giảm đáng kể, đẩy nhà máy rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng. Mặc dù đơn vị đã tăng giá thu mua lên 3.900 đồng/kg chè loại B và 3.100 đồng/kg chè loại D nhưng cũng không đủ nguyên liệu. Bên cạnh đó, Công ty cũng tăng cường thu mua nguyên liệu ngoài vùng, nhưng cả tháng 5 vừa qua cũng chỉ mua được 190 tấn, trong khi kế hoạch đề ra là hơn 400 tấn.

Công ty cổ phần Chè Liên Sơn (huyện Văn Chấn) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Dù vị trí nhà máy án ngữ ngay “cửa ngõ’ một vùng nguyên liệu rộng tới 500ha, nhưng từ đầu đầu niên vụ cho đến đầu tháng 6, đơn vị này mới mua được khoảng 300 tấn nguyên liệu.

Ông Phan Văn An, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn chia sẻ: “Trước đây, mỗi tháng đơn vị mua nguyên liệu ở mức 750 đến 800 tấn mới bảo đảm cho công suất cùa dây chuyền chế biến hoạt động. Nhưng nay, điều đó trở nên vô cùng khó khăn. Công ty không dám ký hợp đồng bán sản phẩm do không có nguyên liệu đầu vào.”

Trước tình hình trên, Phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn và cán bộ kỹ thuật các nông trường đã khuyến cáo người dân cố gắng tận dụng các nguồn nước để tưới cho chè nhằm giảm thiểu tối đa tác hại do nắng nóng gây ra. Tuy nhiên, hiện các sông, suối và các giếng đào trong khu vực chè nguyên liệu cũng đang rơi vào tình trạng khô hạn. Bởi vậy, đa số người dân ở đây cho rằng, việc dùng nước để “chữa cháy” chè là biện pháp bất khả thi.

Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn nhận định về lâu dài, cần đẩy nhanh việc cải tạo giống chè trên địa bàn bằng các giống chịu nắng, chịu hạn, chịu sâu bệnh như chè LDP1, LDP2...nhằm đối phó với sự thay đổi ngày càng khắc nghiệt của thời tiết. Bên cạnh đó là trồng chè tập trung ở dưới chân những dãy núi, ở đó sẽ thuận lợi về nguồn nước hơn các khu vực khác. Trước mắt, đơn vị sẽ cùng phối hợp với các đơn vị chuyên môn của ngành nông nghiệp cùng người dân tiếp tục tìm biện pháp khắc phục tình trạng trên. Hết đợt nắng nóng, người dân cần đẩy mạnh chăm sóc để cây chè nhanh hồi phục, cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến./.

Trung Kiên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục