Mỹ chuẩn chi thêm 37 tỷ USD cho hai cuộc chiến

Hạ viện Mỹ đã chuẩn chi ngân sách bổ sung trị giá 37 tỷ USD cho chiến dịch tăng quân tại Afghanistan và cuộc chiến ở Iraq.
Ngày 1/7, Hạ viện Mỹ đã chuẩn chi ngân sách bổ sung trị giá 37 tỷ USD cho cuộc chiến Iraq và chiến dịch tăng quân tại Afghanistan do Tổng thống Barack Obama đề xuất.

Trong số này, chỉ riêng kế hoạch triển khai thêm 30.000 binh sĩ Mỹ tại Afghanistan của Nhà Trắng đã cần tới 33 tỷ USD.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama có thể sẽ không ký phê chuẩn được ngân sách bổ sung này trước ngày 4/7 như Nhà Trắng mong đợi, vì dự chi ngân sách bổ sung còn phải được thông qua tại Thượng viện, mà thủ tục xem xét có thể mất 7-10 ngày.

Đây là số tiền mà Washington muốn bổ sung cho ngân khoản 130 tỷ USD dành cho hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan trong tài khóa hiện nay mà Quốc hội nước này đã thông qua trước đó.

Nếu ngân sách bổ sung được Thượng viện Mỹ thông qua, sẽ nâng tổng chi phí cho các hoạt động quân sự Mỹ tại hai chiến trường này trong gần 10 năm qua lên tới hơn 1.000 tỷ USD.

Liên quan tới các chiến dịch an ninh tại Afghanistan, Tướng Mỹ David Petraeus đã tới trụ sở NATO tại Brussels trong chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Tư lệnh Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Afghanistan (ISAF).

Phát biểu trước Hội đồng NATO cùng đại diện các nước tham gia ISAF, Tướng Petraeus đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác dân sự-quân sự của Phái bộ Liên hợp quốc tại Afghanistan (MANUA) với chính quyền Afghanistan.

Về những mục tiêu trong năm nay, Tướng Petraeus khẳng định sẽ xem xét khả năng mở rộng an ninh, đánh giá kết quả mà các lực lượng an ninh Afghanistan đã đạt được và nghiên cứu những hoạt động bổ sung phù hợp với sự quản lý và quá trình cung cấp các dịch vụ căn bản.

Trong khi đó, lực lượng Mỹ và Afghanistan ngày 1/7 thông báo đã bắt được một nhân vật quan trọng của Taliban sau một cuộc giao tranh kéo dài 4 giờ.

Cuộc tấn công này nằm trong chiến lược của liên quân và chính quyền Afghanistan, theo đó đẩy mạnh truy quét các chỉ huy cấp trung của Taliban, trong khi chính quyền mới ở Afghanistan đưa ra các sáng kiến kinh tế để vận động phiến quân hạ vũ khí, từ đó gây sức ép buộc lãnh đạo cấp cao Taliban tham gia tiến trình hòa bình.

Các quan chức NATO cho biết trong vòng bốn tháng qua đã loại bỏ được hơn 100 chỉ huy Taliban./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục