Ngăn chặn HIV mới để thúc đẩy châu Phi phát triển

Ngân hàng Thế giới kêu gọi châu Phi cần nỗ lực ngăn chặn các ca nhiễm HIV mới để thúc đẩy cơ hội phát triển của lục địa Đen.
Ngày 15/3, trong nghiên cứu mới nhất về hiện trạng HIV/AIDS của châu Phi, Ngân hàng Thế giới (WB) đã kêu gọi châu Phi với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cần nỗ lực ngăn chặn các ca nhiễm HIV mới để thúc đẩy cơ hội phát triển của lục địa Đen, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng.

Nghiên cứu của WB nhấn mạnh không giảm được các ca lây nhiễm HIV mới, các chương trình điều trị HIV/AIDS của các nước châu Phi sẽ không bền vững và nhanh chóng trở nên vô hiệu trong những năm tới.

Sau nhiều thập kỷ lây lan, dịch bệnh thế kỷ này đã cướp đi cuộc sống của 30 triệu người và làm lây nhiễm hơn 60 triệu người khác. Hơn 6 triệu người đang được điều trị HIV trên toàn cầu. Chi phí điều trị và ngăn ngừa dịch bệnh này đã tăng từ 260 triệu USD năm 1996 lên tới 15,9 tỷ USD năm 2009 và vẫn tiếp tục tăng nhanh, gây sức ép khổng lồ cho nền kinh tế thế giới, đặc biệt ở châu Phi nghèo đói nhưng số người nhiễm HIV vẫn tăng nhanh nhất thế giới.

Nghiên cứu của WB cảnh báo nền kinh tế toàn cầu không ổn định làm giảm nghiêm trọng khả năng tài chính duy trì và mở rộng các chương trình điều trị HIV/AIDS. Đầu tư chiến lược để ngăn chặn các ca lây nhiễm HIV mới có thể giúp các nước châu Phi giảm được gánh nặng tài chính hiện đang có nguy cơ không thể kiểm soát được.

Tại Botswana, với hơn 25% dân số ở độ tuổi từ 15-49 nhiễm HIV, chi phí để điều trị sẽ chiếm tới 3,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2016, chiếm 12% ngân sách chính phủ vào năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ giảm xuống 3,3% vào năm 2030 nếu hành động khẩn cấp để giảm các ca lây nhiễm mới.

Ở Nam Phi, HIV/AIDS đã tác động nghiêm trọng đến tài chính công và hạn chế khả năng của chính phủ đạt được các mục tiêu chính sách y tế và xã hội.

Tỷ lệ nhiễm HIV ở Uganda thấp hơn ở Nam Phi, nhưng nước này phụ thuộc tới 85% viện trợ nước ngoài để ngăn ngừa và điều trị HIV/AIDS. Tỷ lệ dân số nhiễm HIV ở Swaziland cao nhất thế giới và nước này sẽ phải chi tới 7,3% GDP cho các chương trình HIV/AIDS vào năm 2020./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục