Cây lác ở Trà Vinh đạt mức giá cao nhất

Giá cây lác ở tỉnh Trà Vinh- nguyên liệu cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đang dao động mức giá cao nhất từ 8.500 - 8.800 đồng/kg.
Giá lác tại thời điểm hiện nay đang dao động từ 8.500 - 8.800 đồng/kg (lác loại I). Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay trong mùa thu hoạch loại cây nguyên liệu dùng cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp này.

Nông dân trồng lác đang vào đợt thu hoạch lác vụ 2 năm 2009 với mức lợi nhuận cao, thương lái muốn mua lác phải đặc cọc trước...

Đầu tư một, lợi nhuận ba

Tại xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh nơi có 4 ấp ven sông Cổ Chiên với khoảng 520 ha đồng lác xanh mượt, nhiều nông dân hồ hởi khi tiếp xúc với chúng tôi vì một vụ lác được mùa, được giá. Nơi đây hiện còn có 7 ấp được tỉnh công nhận làng nghề chế biến các mặt hàng từ lác.

Nhiều nông dân trồng lác lâu đời ở đây tính toán, nếu giá 1kg lác bán ra thị trường bằng giá 1kg lúa thì người trồng lác đã lãi to. Vì rằng cây lác chỉ trồng 1 lần có thể thu hoạch từ 7-10 năm (tương đương 20-30 vụ). Trung bình mỗi công lác (1.000 m2) nông dân đầu tư khoảng 1,6 triệu đồng/vụ.

Với năng suất trung bình từ 550-600 kg/công, giá bình quân tại ruộng 8.600 đồng/kg, trừ chi phí người trồng lác thu lãi gần 5 triệu đồng, lợi nhuận gấp 3 lần so với mức đầu tư.

Ngoài chuyện được giá, khoảng 10 ngày trở lại đây thời tiết nắng tốt đã giúp nông dân thu hoạch sớm hàng chục héc-ta, sản phẩm đẹp, bóng được nhiều thương lái các nơi đổ xô về mua hàng. Nhiều hộ trồng lác ở đây ao ước có thể cơ giới hóa khâu thu hoạch cho cây lác, như máy cắt, máy chẽ, máy sấy… để phát triển nghề trồng lác và gia tăng lợi nhuận cho nông dân.

Cải tiến sản phẩm

Tại các cơ sở chế biến nguyên liệu từ lác cũng đang vào vụ rất nhộn nhịp. Nhiều cơ sở chủ động tìm kiếm thị trường để cạnh tranh giá với các thương lái từ nơi khác đến và tranh thủ cải tiến kỹ thuật, đa dạng hóa mẫu mã các sản phẩm làm từ nguyên liệu lác ở địa phương nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm này.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, quản lý Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Huyên, trên 10 năm thu mua, sản xuất, nhận gia công các sản phẩm từ lác cho biết, thời gian qua công ty này đã đưa ra thị trường trên 20 sản phẩm, trong đó có từ 7-8 sản phẩm mới sản xuất từ nguyên liệu lác.

Gần đây, hai sản phẩm có kiểu dáng giỏ Bình Phong và Ốc Sên đang hút hàng được giá. Mặc dù lác nguyên liệu đang “sốt”, giá thu mua nguyên liệu cao, nhưng sản phẩm vẫn cạnh tranh được với thị trường, tạo việc làm ổ định cho 60 lao động của Công ty. Trung bình mỗi năm công ty đã tiêu thụ cho địa phương trên 10 tấn lác thương phẩm, cho thấy tiềm năng của cây lác còn rất lớn.

Cùng với doanh nghiệp, các hợp tác xã và các điểm gia công của làng nghề trên địa bàn hiện cũng đẩy mạnh việc cải tiến sản phẩm để giữ lao động và cạnh tranh thu mua lác với các thương lái ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn xã Đức Mỹ chỉ có trên 300 khung dệt chiếu, 350 máy se lõi lác, đang giải quyết cho khoảng 2.800 lao động nhàn rỗi ở địa phương. Với mức tiêu thụ lác nguyên liệu của các cơ sở trên, sản lượng thu hoạch thực tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Trung bình hàng năm các cơ sở chỉ tiêu thụ chế, biến ra thành phẩm khoảng 30% sản lượng lác thu hoạch của toàn xã, 40% sản lượng nhận gia công sơ chế bước 1 xuất thô, còn 30% sản lượng lác thương phẩm bán cho thương lái./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục