Nguyên nhân ngộ độc

Thực phẩm nhiễm vi sinh là nguyên nhân ngộ độc

Bộ Y tế cho biết từ đầu tháng Tư đến nay, cả nước xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân chủ yếu do thực phẩm nhiễm vi sinh.
Ngày 4/5, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết thống kê chưa đầy đủ từ đầu tháng 4/2012 đến nay, cả nước đã xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe của 972 người.

Trong đó, có 726 người phải nhập viện, 4 trường hợp tử vong.

Phần lớn các vụ ngộ độc đều xảy ra với quy mô lớn, số lượng người ngộ độc nhiều và nguyên nhân chủ yếu do thực phẩm nhiễm vi sinh vật.

Điển hình như vụ ngộ độc tập thể xảy ra trong một đám cưới ngày 12/4/2012 tại bản Hùn, xã Chiềng Cọ, Thành phố Sơn La do thực phẩm nhiễm vi khuẩn Staphylococcus aureus làm hơn 300 người bị ngộ độc và phải nhập viện cấp cứu.

Một vụ ngộ độc tập thể khác xảy ra ngày 16/4/2012 khiến hơn 200 công nhân của Công ty Dream MeKong thuộc xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bị ngộ độc.

Ngay sau khi nhận được thông tin ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với Sở Y tế các địa phương cơ bản thực hiện sơ cứu, cấp cứu kịp thời các trường hợp ngộ độc thực phẩm, hạn chế thấp nhất những hậu quả đáng tiếc do ngộ độc thực phẩm gây ra.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo trong giai đoạn thời tiết đang chuyển sang mùa hè như hiện nay, nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, các dịch bệnh truyền qua thực phẩm đặc biệt trong các bữa tiệc đông người là rất cao.

Do thời tiết khí hậu thuận lợi cho vi sinh vật phát triển sinh độc tố hoặc làm hư hỏng thực phẩm.

Chính vì vậy, người dân cần thực hiện lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn như lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, an toàn; thực hiện “ăn chín, uống sôi”, rửa sạch, gọt vỏ rau quả trước khi sử dụng; ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín; bảo quản đúng cách thức ăn sau khi nấu chín; đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng.

Người dân không nên để chung, sử dụng chung dụng cụ với thực phẩm sống và chín; rửa sạch tay trước khi chế biến thực phẩm, đặc biệt là sau khi vừa đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ gây ô nhiễm khác.

Đồng thời phải bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ, hợp vệ sinh; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi, thiu, mốc hỏng; sử dụng nguồn nước sạch, an toàn trong chế biến thực phẩm ./.

Thu Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục