Quyền của ‘thượng đế”

Quyền của các "thượng đế”: Có nhưng khó đòi!

Trung bình mỗi năm các cấp hội nhận khoảng 1.000 đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng, nhưng con số giải quyết chỉ chiếm gần 80%.
Hôm nay (15/3) là ngày "Quyền người tiêu dùng thế giới", thế nhưng xem ra "thượng đế" trong nước vẫn còn khá lận đận trong việc đòi quyền lợi chính đáng cho mình.

Gian lận trong kinh doanh xăng dầu, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, một loạt các vụ vi phạm trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm bị phát hiện rồi lại “chìm đi” khiến dư luận không khỏi "bức xúc” về quyền lợi cũng như các chế tài xứ phạt còn hết sức hạn chế.

Có quyền nhưng “đòi” quá khó


Cầm hộp sữa ngoại trên tay, chị Phạm Thanh Loan, trú tại Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội không khỏi băn khoăn vì hàng loạt thông tin của nhà sản xuất đưa ra với đầy đủ hàm lượng các chất dinh dưỡng, từ phát triển chiều cao đến trí thông minh và cân nặng… là những vấn đề các bà mẹ có con nhỏ vốn rất quan tâm.

Theo chị Loan, cháu bé 12 tháng tuổi của chị sau khi đi khám bác sỹ dinh dưỡng đã phải thay đến bốn loại sữa, nhưng vẫn bị liệt vào danh sách “còi xương” phải bổ sung thêm sữa ngoài.

“Người bán hàng nào cũng quảng cáo sữa mình bán là rất tốt, phù hợp với lứa tuổi các cháu nhưng chất lượng vẫn chưa thể khẳng định và giá cả thì không rẻ chút nào. Tuy nhiên, là bậc cha mẹ nên tôi vẫn phải cố mua, vì con tôi không thể lớn lên mà thiếu sữa được,” chị Loan buồn rầu nói.

Cùng hoàn cảnh “mất tiền” mà không được vui, chị Thanh Mai nhà ở Kim Ngưu mua một chiệc tivi LCD 32 inch tại siêu thị Media Mart vào đúng ngày 28 Tết vừa rồi, kể lại, sau khi thanh toán hết tiền và được nhân viên cửa hàng trở về lắp đặt và hướng dẫn “tận tình”, nhưng hôm sau kiểm tra lại số serial, chị mới “tá hỏa” phát hiện chiếc tivi này không đúng với chiếc chị đã đặt tiền, trong khi giá lại thấp hơn gần 3 triệu đồng so với chiếc chị đã bỏ tiền ra mua.

May nhờ người “quen biết” để can thiệp thì chị mới lấy lại được tiền, nhưng sau đó chị quyết định qua chỗ khác mua còn hơn bị mắc lừa một lần nữa.

“Đòi được tiền đã là may lắm rồi, chứ mình mua về nhà rồi thì biết kêu ai?” chị Mai kể lại với vẻ bức xúc...

Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm các cấp hội nhận được khoảng 1.000 đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng và con số giải quyết được mới chỉ chiếm gần 80% số vụ vi phạm.

Ông Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) cho biết, con số này quá ít ỏi so với những vi phạm đang ngày một gia tăng.

Ông Thắng cũng thừa nhận, mặc dù số vụ vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng ngày càng nhiều, nhưng thời gian qua, hoạt động của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của hơn 80 triệu người tiêu dùng.

“Không phải chúng tôi không muốn mà không có điều kiện để làm tốt hơn. Vinatas đã bàn, đã làm chứ không vô trách nhiệm”, ông Thắng nói.

Cơ quan chức năng sẽ không “đứng nhìn”

Cũng theo ông Thắng, tuy chưa có văn bản chính thức, nhưng thông qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, Hội đã “bày tỏ” sự bất bình sâu sắc và nêu một số kiến nghị trước tình trạng người tiêu dùng đang bị “móc túi” nặng nề hiện nay, như tăng cường thanh tra kiểm tra, truy thu số tiền gian lận để lập quỹ bảo vệ người tiêu dùng, nâng mức xử phạt các hành vi vi phạm…

“Cũng có nguyên nhân quan trọng là người tiêu dùng còn ngại đòi quyền lợi hợp pháp, vì thủ tục còn phiền toái, mất thời gian công sức mà nhiều khi không đạt kết quả,” ông Thắng lý giải.

Dưới góc nhìn của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký cũng nhìn nhận, đông đảo người tiêu dùng Việt Nam còn rất mù mờ về quyền lợi của mình và rất cần phổ biến, trang bị cho người tiêu dùng những kiến thức cần thiết để họ trở thành những người tiêu dùng thông thái.

Tại hội thảo về Quyền lợi người tiêu dùng do Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương tổ chức mới đây, nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam đang bị chèn ép, trong khi những quyền đã được luật qui định thì vẫn chưa được thực thi một cách nghiêm chỉnh.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng người tiêu dùng Việt Nam đang "gánh thiệt" là hiện rất thiếu các chế tài để xử lý hành vi vi phạm của tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như cân, đong sai, thông tin về dịch vụ hàng hóa thiếu trung thực... và lợi dụng điều này, các nhà cung cấp dịch vụ đã cài các điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng vào hợp đồng viết sẵn.

Tiến sỹ Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, Bộ luật Dân sự đã quy định rõ nhà sản xuất phải có trách nhiệm bảo hành và phải chịu chi phí cho người tiêu dùng khi họ mang hàng cần bảo hành đến cơ sở sửa chữa. “Tuy nhiên, hiện hiếm có cơ sở nào chịu chi trả khoản này và người tiêu dùng cũng không ai biết để đòi.”

Theo Bộ Công thương, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang gấp rút hoàn chỉnh, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng Ba này và Quốc hội sẽ cho ý kiến trong tháng 5/2010 với nhiều điểm mới được bổ sung, có lợi cho người tiêu dùng, như “có quyền kiện doanh nghiệp ra tòa mà không cần chứng minh thiệt hại…”

Trong khi chờ luật được Quốc hội thông qua, các cơ quan chức năng chỉ biết đưa ra những “khuyến cáo” để người tiêu dùng tự nâng cao kiến thức khi quyết định bỏ tiền để mua các sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định, hội sẽ không ngồi chờ người tiêu dùng bị xâm hại mới đứng ra làm trung gian mà sẽ chủ động bảo vệ người tiêu dùng, có hình thức khích lệ động viên người sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vì quyền lợi người tiêu dùng.

“Cuối năm nay hội sẽ đưa ra danh hiệu văn minh thương mại vì người  tiêu dùng để cấp chứng tín kinh doanh cho các doanh nghiệp có trách nhiệm với người tiêu dùng,” ông Thắng nói./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục