Xung đột leo thang mạnh

Xung đột leo thang mạnh giữa Sudan và Nam Sudan

Xung đột giữa Sudan-Nam Sudan tiếp tục leo thang mạnh tại biên giới sau khi 2 nước đình chỉ cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến vào ngày 3/4.
Ngày 27/3, xung đột giữa Sudan và Nam Sudan tiếp tục leo thang mạnh tại khu vực biên giới sau khi hai nước này đình chỉ cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra ngày 3/4 giữa Tổng thống Sudan Omar al-Bashirr với người đồng cấp Salva Kiir.

Bộ trưởng Thông tin Nam Sudan Gideon Gatpan tố cáo máy bay chiến đấu của Sudan đã không kích các khu vực nhiều dầu mỏ ở Nam Sudan, song không gây thiệt hại lớn. Ông Salva Kiir cáo buộc quân đội Sudan đã tấn công trước và buộc Nam Sudan phải đáp trả.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Sudan Al-Obeid Meruh nói rằng, hành động không kích là phản ứng của Sudan sau khi quân đội Nam Sudan tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hạng nặng nhằm vào một giếng dầu Heglig, khu vực mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.

Theo quân đội Sudan, tình hình đã trở lại bình thường trong ngày 27/3 và họ đã kiểm soát hoàn toàn vùng Heli.

[Nam Sudan: 370 người thương vong do xung đột]

Chiến sự leo thang giữa Sudan và Nam Sudan đang khiến dư luận quốc tế hết sức quan ngại.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 27/3 đã kêu gọi hai nước kiềm chế tối đa và duy trì cuộc đối thoại nhằm giải quyết hòa bình những vấn đề đang khiến hai nước ngờ vực lẫn nhau.

Theo tuyên bố do ông Mark Lyall Grant, Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng Ba, Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng xung đột leo thang sẽ khiến nhiều dân thường thiệt mạng, làm trầm trọng thêm hình hình nhân đạo tại Sudan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng lên tiếng kêu gọi hai bên ngừng tất cả hoạt động quân sự dọc biên giới, thực hiện mọi nỗ lực để ngăn xung đột vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng, Khartoum chịu phần lớn trách nhiệm về tình trạng bạo lực. Phát biểu với các phóng viên, bà Clinton nói: "Hoạt động không kích của Chính phủ Sudan là bằng chứng về việc sử dụng vũ lực không cân xứng."

Tại Paris, Bộ Ngoại giao Pháp kêu gọi hai bên chấm dứt các hành động thù địch và tổ chức hội nghị thượng đỉnh, bất chấp những cuộc đối đầu hiện nay.

Nam Sudan thành lập nhà nước độc lập theo Thỏa thuận hòa bình 2005 nhằm chấm dứt nội chiến kéo dài. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, hai quốc gia vẫn thường xuyên bất đồng về vấn đề phân chia biên giới và mức kinh phí mà Nam Sudan phải chi trả cho việc vận chuyển dầu mỏ qua miền Bắc của Cộng hòa Sudan.

Giới phân tích từng dự đoán, căng thẳng giữa hai bên có thể làm bùng nổ một cuộc chiến lớn, ảnh hưởng đến các nước trong khu vực./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục