Giới trẻ phượt 30/4

Giới trẻ "ném" mình vào những chuyến phượt 30/4

Nhân dịp nghỉ lễ kéo dài, nhiều bạn trẻ đã quyết định rời xa Hà Nội, để trải nghiệm những xúc cảm mới trên những nẻo đường Tổ quốc.
Dù đã thấm mệt, lưng áo đẫm mồ hôi nhưng Quỳnh Hoa (Hà Nội) vẫn không giấu nổi niềm vui khi đứng giữa những hàng thông xanh thẳng tắp của Tam Đảo. Dừng “chú ngựa sắt” bên đường, ngước mắt nhìn bầu trời cao rộng, nụ cười rạng rỡ, cô bạn cảm thấy mọi xô bồ trong cuộc sống như bỗng tan biến. Chỉ còn lại cảm giác thanh thản, xen vào đó là chút nao lòng của những kí ức sống dậy.

“Nhân dịp kỳ nghỉ lễ kéo dài lần này, chúng mình đi để trải nghiệm cuộc sống và để tìm lại chính mình,” Hoa tâm sự.

Lý thú phượt bằng xe đạp

“Mình thích cảm giác nhẹ nhàng mà việc đạp xe mang lại. Thong dong trên những cung đường, ngắm nhìn mọi thứ xung quanh và cảm nhận thời gian trôi qua. Thích thì dừng lại, tấp xe vào lề đường, tha hồ ngắm cảnh và bấm máy. Rồi lại “nhảy” lên xe, lao vút đi, lòng nhẹ bỗng,” Hoa chia sẻ.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhóm bạn của Hoa quyết định thực hiện cuộc hành trình bằng “xế điếc” từ Hà Nội lên Tam Đảo nhằm thỏa mãn đam mê “xê dịch” của mình. Đi phượt bằng xe đạp đã không còn là điều xa lạ với những ai thích lang thang, mê khám phá, yêu sự mạo hiểm và ưa những chuyến đi “bụi bặm.”

Thanh Hiên, thành viên Câu lạc bộ Hành trình xanh, chuyên tổ chức những chuyến đạp xe xuyên Việt vì môi trường, bày tỏ: Tuy di chuyển mất nhiều thời gian hơn xe máy nhưng thiết kế gọn nhẹ của xe đạp lại giúp mọi người dễ dàng sửa chữa khi gặp trục trặc. Gặp những đoạn đường lầy lội, khó đi thì việc dắt xe hay vác xe băng qua cũng trở nên đơn giản hơn nhiều.

Những nơi dốc cao, đèo sâu hay những quãng đường gồ ghề dẫn về những miền quê yên bình luôn là những địa điểm thu hút dân phượt bằng “xế điếc” hơn là những hành trình trên những quốc lộ bằng phẳng.

Suốt dọc hành trình 20km lên đèo để chinh phục Tam Đảo, không ít bạn đã phải gồng mình dắt bộ, “dở khóc dở cười” khi xe đứt phanh, tuột xích; nhưng chính điều đó lại tạo ra sức hấp dẫn riêng cho dân phượt bằng xe đạp.

“Cảm giác chiến thắng khi lên tới nơi, lòng thở phào nhẹ nhõm, bao mệt mỏi tan biết,  hướng ánh nhìn bao quát ra xa thật thú vị. Mình đã vượt qua được chính mình,” Quốc Huy, một thành viên trong đoàn, bộc bạch.

Thành viên toiyeuvn… trên một diễn đàn phượt chia sẻ: “Mỗi năm mình chu du bằng xe đạp khoảng bốn, năm chuyến, tìm đến những địa chỉ như Tam Đảo, Kim Bôi, Hồ Núi Cốc, Ao Vua,… Có những lần đạp xe trong đêm, trời mưa bất chợt mà không tìm được chỗ ngủ hay có những phút thư giãn mơ màng dưới gốc cây thật thú vị, thấy cuộc sống thật khác lạ.”

Mỗi chuyến đi một trải nghiệm

Nếu như dân phượt bằng xe đạp thường chọn những cung đường ngắn, đi về những miền nông thôn để trải nghiệm thì dân phượt xe máy lại luôn biết tận dụng, phát huy cao độ lợi thế của mình để chinh phục những miền đất xa những đầy ý nghĩa như Lũng Cú, Mèo Vạc, Mai Châu, Mộc Châu,…

“Một ngày cuối tháng tư, dừng chân nơi Lũng Cú, đứng lặng thinh ngắm nhìn cột cờ tổ quốc mà lòng dậy lên những cảm xúc thật khó tả. Có lẽ, chưa bao giờ và chưa ở đâu, khái niệm tổ quốc lại thiêng liêng, giản dị và gần gũi, cụ thể với chúng ta đến thế,” chị Thanh Giang, giáo viên một trường trung học cơ sở ở Hà Nội, đã chia sẻ như vậy trên trang facebook cá nhân của mình về chuyến hành trình phượt Tây Bắc của mình.

Những con đèo uốn lượn cheo leo bên vách núi, những mái nhà sàn chênh vênh, những cơn mưa bất chợt, những con đường đá xóc nẩy người, những chặng đường cao nguyên bụi mù trời, những màu sắc sặc sỡ nơi phiên chợ vùng cao và màu xanh ngút ngàn của núi rừng trùng điệp làm nền cho những ánh nhìn thơ ngây, trong sáng của trẻ em miền sơn cước,… sẽ lần lượt hiện ra như những thước phim quay chậm trong tâm thức những ai từng một lần đến, sống và trải nghiệm đời sống yên bình, tĩnh lặng và có phần hoang sơ của nơi này.

Phải đến, sống và trải nghiệm trực tiếp mới thấy cuộc sống thật thú vị với nhiều mảng màu khác lạ. Người ta sẽ không thể tìm thấy không khí thực sự của một buổi chợ vùng cao giữa lòng Hà Nội.

Chị Thu Thủy, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, chia sẻ những trải nghiệm thấm thía sau chuyến đi phượt Hà Giang: Những hàng cơm giữa những phiên chợ vùng cao mang một sắc thái thật khác lạ so với ở miền xuôi. Đó là nơi phản ánh sinh động và trung thực nhất cái khát vọng no ấm của người dân nơi đây.

Người bán cơm cũng đồng thời là một khách chợ. Họ mua gạo ở chợ, nấu cơm giữa chợ khi trời còn mờ hơi sương và điểm đặc biệt là mỗi hàng chỉ bán đúng một nồi. Nồi cơm bán hết, người bán hàng cũng dập dìu đi chơi chợ.

Cơm là một trong những mặt hàng được bán nhiều nhất ở đây. Người ta mua từng bát, đứng giữa chợ mà ăn. “Người H’Mông xuống chợ, việc đầu tiên tôi thấy là họ đến hàng cơm, ăn một bát cho ấm bụng, rồi sau đó mới tản đi mua bán, trao đổi hàng hóa và gặp gỡ những người bạn,” chị Thủy nói.

Đứng trên những đỉnh núi cao nhìn xuống thấy mình thật nhỏ bé giữa không gian cao xa, rộng lớn; để dần định vị lại mình trong cuộc sống hiện tại, để mình được sống với những cảm xúc thực của chính mình hơn. Đây cũng là cảm nhận chung của những người tìm đến những miền đất địa đầu tổ quốc này để kiếm tìm những trải nghiệm đặc biệt vào ngày 30/4 này./.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục