Hội thảo về nuôi con nuôi quốc tế tại Việt Nam

Hội thảo về nuôi con nuôi quốc tế tại Việt Nam

Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Bảo đảm quyền trẻ em và thực hiện việc nuôi con nuôi quốc tế tại Việt Nam”.
Trong hai ngày 14 và 15/1, tại Đà Nẵng, Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Bảo đảm quyền trẻ em và thực hiện việc nuôi con nuôi quốc tế tại Việt Nam”.

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo đảm quyền trẻ em, thông qua việc nuôi con nuôi quốc tế.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có khoảng 1.478.567 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó 85.193 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; 1.316.227 trẻ em khuyết tật, tàn tật; 21.903 trẻ em lang thang; 10.328 trẻ em bị nhiễm chất độc hóa học...

Nhà nước đã thực hiện nhiều hình thức chăm sóc cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như gia đình nhận nuôi dưỡng, gia đình với bố mẹ nuôi mới (làng SOS, mô hình xã hội), nhận đỡ đầu, trợ cấp xã hội cho trẻ em sống tại cộng đồng và chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Hàng tháng, trên 90.500 trẻ em nhận được trợ cấp từ Nhà nước về kinh phí, y tế và giáo dục; 55,3% tổng số trẻ em mồ côi được cộng đồng và Nhà nước chăm sóc; hàng ngàn trẻ em đã được phẫu thuật sứt môi và hở hàm ếch, phẫu thuật mắt, tim bẩm sinh...

Hệ thống dịch vụ phục hồi và tái hòa nhập cho trẻ đang được điều chỉnh để đảm bảo cho trẻ em có cơ hội hòa nhập với cộng đồng một cách tốt nhất.

Thời gian tới, Nhà nước tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ tăng cường năng lực, điều kiện chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, gia đình cũng như nhận con nuôi trong nước. Theo các chuyên gia, việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài chỉ là giải pháp cuối cùng.

Là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em từ tháng 2/1990 và việc chuẩn bị gia nhập Công ước Lahay năm 1993 về Bảo vệ trẻ em và Hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, Việt Nam sẽ có một bước tiến lớn trong việc cải thiện quyền của trẻ em tại Việt Nam.

Theo bà Jennifer Degeling, Thư ký Hội nghị Lahay về Tư pháp quốc tế, mục tiêu cao nhất của Công ước Lahay là bảo vệ lợi ích của trẻ em, đồng thời cũng là bảo vệ lợi ích của các bên khác trong việc nuôi con nuôi – cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi.

Khi công ước được thiết lập sẽ tạo được một hệ thống hợp tác giữa các nước ký kết, đảm bảo việc tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em được công nhận trong luật pháp quốc tế và đẩy mạnh trách nhiệm chung của các nước vì việc nuôi con nuôi hợp đạo lý.

Ở Việt Nam hiện có 91/378 cơ sở nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được phép cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài. Trong quá trình toàn cầu hóa, vấn đề nhận con nuôi nước ngoài đã đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Để hạn chế tối đa tình trạng buôn bán trẻ em vì mục đích con nuôi, ông Nguyễn Công Khanh, Phó Cục trưởng Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp, cho biết một trong những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Con nuôi trình Quốc hội vào tháng 5/2010 là đưa ra quy định nghiêm cấm xử phạt đối với những hành vi gây ảnh hưởng xấu đến mục đích, ý nghĩa nhân đạo của việc nuôi con nuôi như lợi dụng việc nuôi con để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em…

Quá trình xây dựng và điều chỉnh về con nuôi của Việt Nam đi theo hướng tách bạch quyền nuôi dưỡng, quyền tiếp nhận viện trợ nhân đạo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và quyền cho con nuôi./.

Hức Chung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục