Phát triển CCN, KCN cùng với công nghiệp hỗ trợ

Tại một số địa phương, KCN, CCN phát triển tràn lan, thiếu chiến lược phát triển, thiếu tính bền vững do chưa tạo ra giá trị gia tăng cao.
Phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ là nội dung chính của hội thảo quốc tế do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và dự án UNIDO (Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc) phối hợp tổ chức ngày 22/11, tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp xây dựng hoàn thiện đề án “Phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị” để trình Chính phủ vào tháng 12 tới.

Nội dung đề án chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, yếu kém trong phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cụm liên kết ngành đang diễn ra tại Việt Nam. Tính đến năm 2010, cả nước có 260 khu công nghiệp, tạo việc làm cho gần 3,5 triệu lao động (trực tiếp và gián tiếp). Tuy nhiên, tại một số địa phương khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển tràn lan, dàn trải, thiếu quy hoạch, thiếu chiến lược phát triển, thiếu tính bền vững do chưa tạo ra giá trị gia tăng cao.

Các cụm liên kết ngành chủ yếu được hình thành và phát triển một cách tự nhiên nên kém sự năng động, các mối liên kết lỏng lẻo, thiếu hiệu quả, thiếu sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài cụm. Điển hình như ngành công nghiệp hỗ trợ một số ngành như: cơ khí chế tạo, điện tử  in học, sản xuất lắp ráp ôtô, dệt may, giày da đã nhận được những ưu đãi, chính sách khuyến khích phát triển… và đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên tỷ lệ nội địa hóa trong một số sản phẩm còn rất thấp. Số doanh nghiệp tham gia làm thầu phụ và liên kết còn ít nên vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Tại hội thảo, Giáo sư Nicola Coniglio, trường đại học Bari, Italy đã đưa ra một số khuyến nghị về việc thiết kế và thực thi chính sách cụm ngành công nghiệp tại Việt Nam. Đáng chú ý là kiến nghị Chính phủ Việt Nam nên thiết kế cơ chế chọn lựa (trực tiếp hoặc qua chính quyền địa phương) những cụm, ngành công nghiệp tiềm năng để hỗ trợ nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh.

Chia sẻ những kinh nghiệm thực tế và thành tích nổi bật của một số nước EU trong việc thực hiện chính sách xúc tiến năng lực cạnh tranh và đổi mới, bà Tea Petrin, trưởng nhóm chính sách cụm công nghiệp ở Liên minh châu Âu cho rằng: sự phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp, cụm liên kết ngành… cần có định hướng và chính sách dài hạn, “vừa làm vừa rút kinh nghiệm.” Bên cạnh đó cần có sự giám sát, đánh giá các chỉ số, so sánh đối chuẩn thường xuyên để củng cố hiệu quả của các định hướng và chính sách đưa ra.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương nhận định, tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam đang bị đe dọa bởi năng lực cạnh tranh rất yếu kém trong khi lợi thế so sánh của đất nước (tài nguyên thiên nhiên, nhân công giá rẻ…) đang dần cạn kiệt, “dư địa” tăng đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng không còn nhiều… nếu tình trạng trên kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế vĩ mô.

Vì vậy, hội thảo này nhằm hoàn thiện và thông qua những chính sách, xây dựng được khung pháp lý và chiến lược hình thành, phát triển hệ thống các cụm liên kết ngành; phân định chức năng quản lý của Nhà nước và của các cấp chính quyền… để ngành công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững, góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục