Kết quả khắc phục hậu quả chất da cam "rất hạn chế"

Mặc dù đã có sự phối hợp giữa Chính phủ Mỹ và Việt Nam về khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, song kết quả “còn rất hạn chế”.
Mặc dù sự phối hợp giữa Chính phủ Mỹ và Việt Nam về khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam được cho là có nhiều “chuyển biến tích cực” nhưng kết quả cụ thể đóng góp vào khắc phục hậu quả về môi trường, sức khỏe của người phơi nhiễm “còn rất hạn chế”.

Phát biểu khai mạc cuộc họp thường niên lần thứ 4 của Uỷ ban Cố vấn Hỗn hợp Mỹ-Việt về chất da cam và chất gây ô nhiễm dioxin (JAC), ngày 8/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh rằng: “Đã đến thời điểm Chính phủ hai nước cần có những thỏa thuận chính thức với một chương trình dài hạn, hiệu quả cho vấn đề này.”

Thứ trưởng nêu rõ trong rất nhiều việc phải làm để khắc phục hậu quả của chất độc này, Việt Nam ưu tiên hai nội dung chính là xử lý dioxin tại các vùng bị ô nhiễm nặng để ngăn chặn sự phơi nhiễm và hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân.

“Tại lần họp này, chúng tôi đề nghị Hội đồng tư vấn tập trung thảo luận để đưa ra những đề xuất cụ thể thực hiện 2 nội dung ưu tiên trên”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng tỏ rõ mong muốn cụ thể nhóm công tác Việt-Mỹ về y tế được thành lập tại Hội nghị lần này sẽ đề xuất được lộ trình, giải pháp để nhanh chóng triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe trẻ khuyết tật và hạn chế tỷ lệ trẻ sinh ra bị tật do ảnh hưởng của chất độc da cam.

Đánh giá cao kết quả nhóm công tác Việt-Mỹ về môi trường - được thành lập sau cuộc họp lần thứ 3 của JAC vào tháng 9/2008 - trong việc đưa ra được lộ trình, giải pháp kỹ thuật để xử lý các điểm ô nhiễm nặng tại sân bay Đà Nẵng, song Thứ trưởng cũng cho biết khoản chi phí mà Chính phủ Mỹ công bố dành cho tẩy độc môi trường tại sân bay này đến nay vẫn chưa được triển khai khiến kết quả tư vấn của nhóm công tác về môi trường và của JAC “chưa trở thành hiện thực như mong muốn của hai phía”.

Thứ trưởng cũng ghi nhận sự quan tâm của các nước, các tổ chức phi chính phủ như Quỹ Ford, Quỹ Hội Cựu Chiến binh Mỹ ở Việt Nam, tổ chức phát triển Liên hợp quốc và nhiều tổ chức khác dành cho việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam.

Về phía Mỹ, Đại sứ Michael Michalak cho rằng chất da cam là vấn đề nhạy cảm với nhiều nhóm người ở Mỹ và Việt Nam, tình hình tiến triển phức tạp vì sự hiểu lầm và thông tin sai lệch. “Chúng ta có thể khắc phục điều này thông qua đối thoại cởi mở, thẳng thắn như trong 3 cuộc gặp trước của JAC”.

Về y tế, Đại sứ cho biết Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã ký các thỏa thuận hợp tác có hiệu lực 3 năm với tổ chức Cứu trợ Trẻ em, Quỹ Đông Tây Hội ngộ, Tổ chức Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam, để cung cấp các dịch vụ y tế và phục hồi chức năng và phát triển việc trợ giúp sinh kế cho người khuyết tật ở khu vực Đà Nẵng.

Trong lĩnh vực khắc phục môi trường, hiện Mỹ đã nhận được các hồ sơ thầu và sớm công bố hợp đồng cho công tác đánh giá môi trường và chuẩn bị khắc phục tại sân bay Đà Nẵng.

Tháng 6 vừa qua, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ đã khởi xướng việc thử nghiệm thí điểm công nghệ khắc phục sinh học ở sân bay Đà Nẵng, nếu thành công sẽ mang lại giải pháp khắc phục sáng tạo và tiết kiệm chi phí.

Trong ba ngày diễn ra cuộc họp này, các đại biểu của JAC, các nhà khoa học, đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ sẽ nghe các báo cáo của nhóm công tác Việt-Mỹ về môi trường, y tế đã thảo luận và đề xuất các giải pháp cụ thể cho công tác khắc phục hậu quả chất độc da cam đối với môi trường và sức khỏe con người ở Việt Nam./.

Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục