Triều cường gây thiệt hại nặng ở Cà Mau, Bạc Liêu

Liên tục trong những ngày qua, triều cường dâng cao đã gây nhiều thiệt hại, đặc biệt là các vùng nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.
Liên tục trong những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11/2011, triều cường dâng cao làm ngập nhiều hécta tôm nuôi, hoa màu, nhiều tuyến đường, nhà cửa của nhân dân và các công trình dân sinh tại nhiều địa phương trong tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bảo và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, đến ngày 5/11, nước biển đã làm ngập hơn 500ha tôm nuôi, hàng chục héc-ta hoa màu, cây ăn trái, nhiều nhà dân, các công trình công cộng, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, nội ô thành phố Bạc Liêu và các huyện…, gây hiệt hại kinh tế không nhỏ.

Điều đáng báo động hơn, nước biển năm nay tràn sâu vào vùng ngọt hóa phía Bắc Quốc lộ 1A theo phía biển Tây, gần 10 đoạn đường trên tuyến quốc lộ 1A phân ranh giữa vùng mặn-ngọt bị nước mặn tràn vào, đe dọa nhiều diện tích sản xuất lúa đứng trước nguy cơ nhiễm mặn.

Theo Chi cục thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, hiện mực nước cao trình đỉnh triều giảm xuống còn 1,86m so với 2,14m (ngày 30/10), theo đó tình trạng ngập trên diện rộng đã giảm. Tuy nhiên, theo dự báo của ngành chức năng, Bạc Liêu sẽ còn chịu đợt triều cường cao đỉnh điểm vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2011 và tháng 1/2012.

Đợt triều cường sẽ đạt đỉnh cao nhất trong năm, tức là sẽ cao hơn đỉnh triều cuối tháng 10 vừa qua khoảng 15cm (đạt từ 2,10- 2,20m, vượt mức báo động III). Điều lo lắng hơn, đợt triều cường này kết hợp với gió mùa Đông Bắc mạnh sẽ gây tác động xâm nhập mặn sâu vào nội địa và gây nguy hiểm trực tiếp các công trình ven sông, ven biển. Như vậy, tất cả các điểm đã bị ngập vào cuối tháng 10 sẽ tiếp tục ngập sâu hơn, nếu không có phương án chủ động đối phó ngay từ bây giờ.

Nhằm hạn chế tình trạng ngập úng và giảm thiệt hại thấp nhất cho bà con trong thời gian tới, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Hoàng Bê, chỉ đạo các địa phương nhanh chống phối hợp cùng nhân dân dùng cơ giới đắp cao bờ ngăn nước tại các khu vực ven sông đã từng bị ngập, nâng cấp ngay một số tuyến đường trong nội ô thành phố Bạc Liêu và các thị trấn, lắp đặt van đóng mở tại một số miệng cống thoát nước trên địa bàn thành phố Bạc Liêu.

Riêng các điểm ngập trên tuyến quốc lộ 1A, tạm thời dùng bao cát ngăn nước còn về lâu dài cần phải đầu tư xây kè chắn nước. Đối với vùng ngọt hóa, vùng chuyển đổi sản xuất lúa- tôm, phải điều tiết nước hợp lý, đảm bảo cho khoảng 30 ngàn ha lúa trên đất nuôi tôm không bị nhiễm mặn; đồng thời, hướng dẫn, khuyến cáo bà con vùng phía Nam quốc lộ 1A chủ động gia cố đê bao, phòng ngừa nước biển tràn vào gây thiệt hại đến diện tích nuôi tôm, sản xuất muối.

Tại tỉnh Cà Mau đã có trên 5.000ha đất nuôi tôm ở bị mất trắng, do triều cường dâng cao gây ngập làm cho tôm nuôi bị cuốn trôi; ước tính thiệt hại gần 3 tỷ đồng. Đáng lo ngại là, theo dự báo từ nay đến cuối tháng 12, triều cường sẽ còn tiếp tục lên cao; vì vậy người nuôi tôm sẽ còn tiếp tục đối mặt với thiệt hại.

Ngày từ đầu tháng 11, mực nước trên các con sông lên ở mức 0,7 mét, thậm chí có nơi dâng lên hơn 1 mét. Nếu như người dân ven biển dễ thích nghi với điều kiện nước nổi, thì trong nội đồng, nhất là vùng nuôi trồng thủy sản, nông dân không có cách nào khắc phục tình trạng này. Bởi hầu hết vùng nuôi trồng thủy sản đều là nuôi quảng canh cải tiến, không có hệ thống thủy lợi nên triều cường lên cao đột biến là không tránh khỏi thiệt hại.

Hiện nay bà con đang tạm thời khắc phục bằng cách đào đất đắp đê bao, dùng lưới mắt dầy để ngăn không cho tôm thoát ra ngoài. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cách khắc phục tạm thời, vì một khi nước triều cường tiếp tục lên thêm thì thiệt hại sẽ còn lớn hơn./.

Thành Nên, Huỳnh Sử (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục