Vận động bầu cử: Chặng đua nước rút trước "giờ G"

Hoàn thành đủ số lượng cuộc tiếp xúc và trình bày chất lượng trước cử tri không là dễ dàng đối với người ứng cử khi vận động bầu cử.
Những ngày này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các địa phương đang hối hả vào cuộc tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Theo bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khâu tổ chức vận động bầu cử là một trong những trọng tâm giám sát mà 10 đoàn công tác do Ủy ban thành lập đợt 2 đang tiến hành tại các địa phương.

Vận động bầu cử để thu hút lá phiếu cử tri

Thời gian này, 827 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII đang tiến hành những đợt vận động bầu cử tại 183 đơn vị bầu cử trong cả nước từ ngày 3-18/5. Sau đó, người ứng cử có thể tiếp tục thực hiện các hình thức vận động bầu cử khác theo quy định của pháp luật đến hết ngày 20/5/2011.

Về việc tổ chức cho người ứng cử tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, thành phố Hà Nội là một trong số những địa phương triển khai sớm và có hiệu quả thiết thực.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử số 2 (quận Hai Bà Trưng và quận Đống Đa) diễn ra vào ngày 5/5, tất cả 5 người ứng cử đều khẳng định nếu được các cử tri tín nhiệm, bầu chọn làm đại biểu Quốc hội khóa XIII sẽ là cầu nối giữa Đảng, nhà nước với nhân dân; thực hiện nghiêm túc vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của người đại biểu Quốc hội; làm tốt chức năng giám sát; tích cực tham gia vào những công việc trọng đại của nhân dân và đất nước.

Những người ứng cử cũng khẳng định sẽ thường xuyên giữ mối hiện hệ sâu sát và lắng nghe cử tri, nắm bắt tình hình thực tế cơ sở để có những hành động cụ thể góp phần giải quyết những vấn đề của đất nước và nhân dân trong quyền hạn của mình như.

Song song với những đợt tiếp xúc cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã có những cuộc vận động bầu cử đầu tiên.

Tại đơn vị bầu cử số 10 ở quận Hà Đông, 5 người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, nhiệm kỳ 2011-2016 đã trình bày chương trình hành động của mình, tập trung vào một số điểm như củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, cải tạo và xây dựng môi trường sống trong sạch, phát triển đô thị và hạ tầng xã hội, quan tâm đến phụ nữ, thanh niên, trẻ em và các gia đình chính sách, vấn đề quy hoạch hạ tầng đô thị, giải phóng mặt bằng và cải cách hành chính...

Về phía cử tri, hầu hết các ý kiến đều bày tỏ mong muốn người ứng cử phải thống nhất giữa chương trình và hành động thực tế, dù ở cương vị nào cũng phải mạnh dạn đấu tranh cho lợi ích nhân dân, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân.

Người dân cũng đặt nhiều kỳ vọng vào các vị đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa mới sẽ tăng cường công tác giám sát hơn nữa, nâng cao công tác làm luật, để luật được ban hành và đi vào đời sống nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và phát triển, mạnh dạn hơn khi phát biểu ý kiến nói lên tiếng nói, nguyện vọng của người dân lao động.

Cơ hội thể hiện năng lực bản thân

Theo quy định của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người ứng cử đại biểu Quốc hội cần tiến hành ít nhất là 10 cuộc vận động bầu cử. Con số này đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 5 cuộc và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã là 3 cuộc.

Mục tiêu lớn nhất của người ứng cử khi vận động bầu cử là thu hút sự ủng hộ, tín nhiệm của cử tri, gia tăng cơ hội trúng cử.

Tuy nhiên, đối với những người lần đầu tiên ứng cử đại biểu Quốc hội tại một địa phương không phải là nơi mình sinh sống sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định.

Tính từ khi Hội đồng bầu cử Trung ương công bố danh sách chính thức 827 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII tại 183 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khoá XIII, đến ngày bầu cử 22/5, quỹ thời gian chỉ có chưa đầy 1 tháng.

Trong khi đó, người ứng cử đại biểu Quốc hội phải tiến hành tối thiểu 10 cuộc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, vì vậy, thời gian dành cho việc nghiên cứu tình hình thực tế địa phương nơi mình lần đầu tiên ứng cử không có nhiều.

Bên cạnh đó, cử tri lại gồm nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau cho nên mối quan tâm của họ đến những lĩnh vực trong cuộc sống hàng ngày là khác nhau. Điều này dẫn tới việc người ứng cử sẽ gặp khó khăn khi phải trình bày được chương trình hành động của mình sao cho thuyết phục nhất, ấn tượng nhất trong một khoảng thời gian nhất định.

Mục đích của việc vận động bầu cử là giống nhau, nhưng từng người ứng cử sẽ có cách thuyết phục người dân khác nhau. Đó là việc khó, nhưng qua đó cũng thể hiện rõ nhất năng lực riêng của từng người ứng cử.

Hiện tại, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoàn thành việc tổ chức hội nghị với những người ứng cử đại biểu Quốc hội để đại diện Ủy ban nhân dân cùng cấp thông báo những nội dung cơ bản về tình hình kinh tế-xã hội ở địa phương để người ứng cử xây dựng, dự kiến chương trình hành động của mình sao cho sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao khi trình bày trong hội nghị vận động bầu cử. Đây là một trong những hoạt động rất quan trọng đối với người ứng cử.

Khẳng định đây chính là cơ hội để ứng viên thể hiện được năng lực riêng của mình khi vận động bầu cử, bà Bùi Thị Thanh nhận xét: "Ai đưa ra được chương trình hành động, đáp ứng mong muốn của cử tri, có kỹ năng diễn đạt tốt, thân thiện, thể hiện sự hiểu biết về nơi mình ứng cử, trả lời lưu loát, thuyết phục những vấn đề mà cử tri đặt ra sẽ tạo được ấn tượng tốt."/.

Vũ Minh-Huy Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục