Hầu hết bị giảm điểm

Thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đi xuống

Các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong bối cảnh giới đầu tư tiến hành bán chốt lời sau 3 phiên tăng điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 31/3, trong bối cảnh giới đầu tư tiến hành bán chốt lời sau 3 phiên tăng điểm, cũng như chờ đợi bản báo cáo việc làm của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 2/4.

Tâm lý giới đầu tư trở nên thận trọng trước thời điểm Chính phủ Mỹ công bố báo cáo việc làm, bởi họ coi đây là cơ sở để đánh giá sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Dự kiến bản báo cáo sẽ cho thấy số lượng việc làm trên thị trường lao động Mỹ đã tăng 190.000 trong tháng 3/2010. Bên cạnh đó, giới giao dịch cũng coi việc Mỹ và châu Âu sẽ nghỉ giao dịch từ ngày 2-5/4 để đón lễ Phục sinh là cơ hội để bán chốt lời.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei-225 có lúc đã vọt lên 11.147,62 điểm - mức cao nhất trong vòng khoảng 18 tháng, trước khi các hoạt động bán chốt lời kéo chỉ số này giảm 7,2 điểm (0,06%) xuống 11.089,94 điểm. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ nối lại đà đi lên trong quý tới do đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đang tăng tốc.

Trong quý I/2010, chỉ số Nikkei-225 đã tăng 5,2% giá trị và tăng khoảng 37% trong tài khoá 2009-10 (kết thúc ngày 31/3) của Nhật Bản, bất chấp sự suy yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vượt xa mức tăng trung bình gần 2% của các nước còn lại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Fumiyuki Nakanishi, nhà quản lý nhóm thuộc công ty chứng khoán SMBC Friend Securities, nhận định sự cải thiện trong nền kinh tế toàn cầu cũng như các thị trường chứng khoán thế giới, với chỉ số Dow Jones đã gần trở lại mức trước khi Lehman Brothers sụp đổ, đồng nghĩa với việc chỉ số Nikkei-225 sẽ tiếp tục tăng điểm trong quý II.

Theo ông, tâm lý đầu tư có thể cải thiện hơn nữa kể từ tháng 4/2010, và chỉ số Nikkei-225 có thể sẽ thử nghiệm mốc 12.000 điểm ngay trong tháng tới.

Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hongkong phiên này cũng giảm 135,44 điểm (0,63%) xuống 21.239,35 điểm; còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 19,36 điểm (0,62%) xuống 3.109,11 điểm.

Các thị trường chứng khoán khác trong khu vực, như Sydney, Ấn Độ, Đài Loan và Hàn Quốc, cũng đều giảm diểm trong phiên này.

Các thị trường giàu hơn dẫn đầu mức tăng trên toàn cầu trong năm nay, với chỉ số S&P 500 tại Phố Wall tăng hơn 5% và Nikkei tăng 5,2%.

Trái lại, các thị trường đang nổi lại giảm điểm trước quan ngại rằng đà tăng mạnh trong năm 2009 đã khiến giá các cổ phiếu bị thổi phồng hơn giá trị thực - một xu hướng dự kiến sẽ bị đảo ngược trong năm nay.

Theo khảo sát của hãng Reuters tiến hành giữa tháng 3/2010, tất cả các thị trường chứng khoán lớn của thế giới sẽ kết thúc năm nay cao hơn so với mức hiện nay, với chỉ số S&P 500 có thể tăng 10%, vượt xa các chỉ số của châu Âu vốn đang bị tụt hậu trước sức ép từ những lo ngại về mức nợ cao ở Hy Lạp và các nước khác tại Eurozone.

Nhu cầu mua vào của khối ngoại đã hỗ trợ cả thị trường chứng khoán Indonesia và Nhật Bản trong thời gian gần đây và các thị trường này sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới./.

Phương Thảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục