Khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống

Làm thế nào để khôi phục và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống là trăn trở của chính quyền nhiều địa phương trong cả nước.
Làm gì và làm như thế nào để khôi phục và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống gắn với các sản phẩm thủ công từng có "tên tuổi" trên thương trường - đồng nghĩa với việc giúp người lao động nông thôn có thêm việc làm, tăng thu nhập đã và đang là vấn đề trăn trở của chính quyền các cấp, các ngành hữu quan và người dân tại nhiều địa phương trong cả nước.

Giữ nghề dệt chiếu Tà Niên


Cách thành phố Rạch Giá khoảng 10km về phía Quốc lộ 63 là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, nơi có một làng nghề dệt chiếu mà người dân trong vùng vẫn quen gọi “chiếu Tà Niên”. Chiếu Tà Niên đã đoạt nhiều huy chương vàng qua những cuộc đấu xảo thời thuộc Pháp và ngày nay chiếu Tà Niên vẫn là mặt hàng nổi tiếng của Kiên Giang. Chiếu Tà Niên là vật dụng thân thiết với con người trong cuộc sống hàng ngày, sản phẩm từng có mặt ở nhiều nơi, được khách hàng ưa chuộng.

Nghề dệt chiếu Tà Niên đã có một thời là niềm tự hào của bà con địa phương, giúp bao gia đình thoát cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường nhiều gia đình không duy trì được nghề đã chuyển sang nghề khác và đành gác khung dệt. Bà Lê Thị Sa (65 tuổi), Tổ trưởng Tổ dệt chiếu Tà Niên, cho biết: “Lúc mới thành lập tổ có gần 50 hộ, thế nhưng đến giờ chỉ còn 17 hộ còn “mặn” với nghề này.”

Lý giải về vấn đề này, Bà Sa chia sẻ, hiện nay nghề dệt chiếu thu nhập không cao nên họ chuyển sang nghề khác. Một đôi chiếu có giá 350.000 đồng, trong khi đó phải bỏ công ngồi dệt (2 người) mất 2 ngày, sau khi trừ chi phí chỉ còn lãi 80.000 đồng, trung bình một người chỉ được 20.000 đồng/ngày.

Trong khi, công nhân ở các xí nghiệp chế biến thủy sản mỗi ngày thu nhập 100.000 đồng. Và lý do đó đã khiến những người thợ trẻ làm nghề dệt chiếu phải tìm việc khác. Bằng giọng tiếc nuối, bà Sa bộc bạch, nghề này không làm giàu, nhưng những người già như chúng tôi vẫn phải làm để giữ làng nghề có hàng trăm năm của cha ông để lại.

Để làng chiếu Tà Niên không bị mai một, chị Hứa Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Hòa Hiệp cho rằng, cần tổ chức lại quy mô sản xuất, quy hoạch vùng trồng nguyên liệu, tổ chức truyền dạy kỹ thuật sản xuất theo mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Nhiều người khác khẳng định nghề dệt chiếu Tà Niên chỉ hồi sinh khi được các ngành liên quan của tỉnh Kiên Giang như: Sở Công thương, Hội Liên hiệp phụ nữ, tổ chức hoặc cá nhân có năng lực liên kết đỡ đầu tiêu thụ sản phẩm, kết hợp khai thác du lịch ở địa phương.

Liêm Sơn phát triển nghề làm nón lá truyền thống


Trong khi không ít nghề truyền thống ngày càng mai một thì nghề làm nón lá ở xã Liêm Sơn (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) vẫn tồn tại và phát triển mạnh, giúp hàng trăm hộ dân địa phương thoát nghèo và có cuộc sống khá giả.

Hiện nay, xã Liêm Sơn có hơn 1.000 lao động của gần 600 hộ, chiếm 90% tổng số hộ trong xã tham gia làm nón. Năm 2009, giá trị sản xuất từ nghề nón đạt 12,4 tỷ đồng; năm 2010 đạt 15,2 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2011 đạt 8 tỷ đồng.

Ông Đoàn Ngọc Hiển, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Liêm Sơn cho biết, thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề là vào những năm 70 của thế kỷ trước. Ngày ấy đường sá chưa thuận lợi như bây giờ nhưng nón làm ra đến đâu thuyền bè tấp nập về chở đi tiêu thụ hết đến đó.

Nhưng nghề nào cũng có lúc thịnh, lúc suy, nón lá Liêm Sơn cũng không ngoại lệ, hiện nay có nhiều loại mũ với những chất liệu, kiểu dáng đa dạng, phong phú đã khiến nghề làm nón của chúng tôi có phần bị thu hẹp lại. Song không vì thế mà nghề truyền thống của quê hương bị thất truyền. Trái lại nó vẫn được người dân trong xã gìn giữ gìn và phát huy.

Thị trường tiêu thụ nón hiện nay tuy có giảm đi nhưng số lượng và giá trị thu nhập từ nghề làm nón vẫn tăng qua các năm. Đặc biệt, năm 2008, làng nón Liêm Sơn đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam công nhận là làng nghề truyền thống. Đây chính là nguồn cổ vũ động viên lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Liêm Sơn duy trì, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.

Song, khó khăn lớn nhất của làng nghề hiện nay là sản phẩm làm ra chưa có nơi tiêu thụ ổn định, thu nhập của người làm nghề chưa cao. Vì thế, xã đã đưa ra những định hướng và đề nghị với các cấp có thẩm quyền hỗ trợ tăng cường quảng bá giới thiệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ nhằm tạo uy tín và chỗ đứng cho sản phẩm nón lá Liêm Sơn, để nghề làm nón không chỉ giúp dân thoát nghèo mà còn là nghề làm giàu cho địa phương.

Vĩnh Long phát triển ngành nghề nông thôn không theo kiểu "phong trào"


Là địa phương hiện có 81 làng có nghề và làng nghề nhưng thực tế việc khôi phục các làng nghề truyền thống và phát triển làng nghề mới ở tỉnh Vĩnh Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất gạch gốm ở các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Hòa Tĩnh, Nhơn Phú, An Phước, Chánh An (huyện Mang Thít), Thanh Đức (huyện Long Hồ) là một trong những làng nghề truyền thống được tỉnh ưu tiên đầu tư bảo tồn và phát triển với 7 làng nghề đã được công nhận.

Tuy có thị trường tiêu thụ, sử dụng nguồn nguyên liệu sét tại địa phương nhưng do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến sản phẩm không đồng nhất, không đảm bảo chất lượng. Do vậy, sau khi được công nhận làng nghề từ năm 2008 đến nay, công nghệ sản xuất của làng nghề vẫn chưa được đầu tư đổi mới, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh.

Năm 2011, sản xuất làng nghề gốm tiếp tục gặp khó khăn từ 120 cơ sở, hiện có 48 cơ sở không còn hoạt động. Các làng nghề đan thảm lục bình, se lõi cói, se tơ xơ dừa ở các xã Ngãi Tứ, Bình Ninh (huyện Tam Bình), Quới Thiện, Thanh Bình, Trung Thành Đông (huyện Vũng Liêm) tuy có lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ và sử dụng nguồn lao động nông nhàn nhưng các cơ sở thiếu vốn đầu tư máy móc sản xuất.

Trước thực trạng này, tỉnh Vĩnh Long xác định phát triển ngành nghề truyền thống không thực hiện theo “phong trào” mà gắn với khai thác nguồn nguyên liệu, nhân lực địa phương và phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Tỉnh định hướng phát triển ngành nghề truyền thống theo 3 nhóm: ngành nghề tập trung phát triển tốc độ cao; tốc độ trung bình và tốc độ thấp; trong đó nhóm các ngành nghề tập trung phát triển tốc độ cao, dự kiến đến năm 2020 công nhận thêm 18 làng nghề truyền thống như sản xuất gạch ngói, gốm đỏ, se lõi cói, se xơ tơ dừa, sơ chế nấm rơm.

Tỉnh cũng quy họach vùng trồng nguyên liệu như vùng trồng cói tập trung diện tích 700 ha, lục bình, nấm rơm, ưu tiên cho các cơ sở thuê đất để phát triển nguyên liệu, xây dựng hình thức tổ hợp tác, hội ngành nghề để gắn kết giữa làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong việc mở rộng quy mô sản xuất, truyền nghề.

Đối với nhóm ngành nghề truyền thống định hướng phát triển với tốc độ trung bình từ nay đến năm 2020 như chế biến thực phẩm, sơ chế ca cao, sấy nhãn… và nhóm ngành nghề truyền thống phát triển với tốc độ thấp do thị trường tiêu thụ nội địa như sản xuất nước chấm, chằm lá, cưa xẻ gỗ…, tỉnh hỗ trợ khôi phục gắn kết với xây dựng mô hình du lịch sinh thái - làng nghề để tạo thêm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

Cùng với xây dựng website về ngành nghề truyền thống để kêu gọi các dự án đầu tư phát triển ngành nghề, mở ra thị trường tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chương trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chương trình khuyến công đào tạo nguồn nhân lực, tay nghề để hỗ trợ các làng nghề, ngành nghề truyền thống nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường, mở rộng quy mô, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục