Quảng Nam bảo tồn và phát triển giống tiêu đặc sản

Các ngành chức năng huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển giống tiêu đặc sản.
Tiêu Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam là đặc sản nổi tiếng và được nhiều người biết đến, nhưng trong một vài năm trở lại đây, sâu bệnh gây hại và giá cả bấp bênh khiến cây tiêu không còn được ưa chuộng, phát triển.

Để khôi phục phát triển cây tiêu bản địa, các ngành chức năng huyện Tiên Phước đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp ứng dụng kỹ thuật vào chăm sóc, đầu tư nhằm nhân rộng các mô hình điểm.

Xã Tiên Mỹ là một trong những vùng trọng điểm trồng tiêu của huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam nhưng trong thời gian qua, diện tích trồng tiêu cũng sụt giảm, cả xã chỉ còn ít diện tích trồng tiêu.

Hiện nay, huyện Tiên Phước đã phối hợp cùng với các ngành liên quan triển khai việc ứng dụng kỹ thuật cho nông dân về chăm sóc cây tiêu. Huyện chọn xã Tiên Mỹ làm điểm để xây dựng các mô hình với giá trị trên 4 tỷ đồng.

Kết quả thử nghiệm việc trồng và chăm sóc tiêu theo hướng thâm canh, bằng kỹ thuật mới cho thấy cây tiêu phát triển tốt, giảm được sâu bệnh so với trước đây, bước đầu tạo được niềm tin để người nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển cây tiêu.

Ông Đinh Thương, trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tiên Phước khẳng định việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để bảo tồn, phát triển giống tiêu theo hướng canh tác bền vững và chế biến tiêu sọ là một trong những mục tiêu ưu tiên của huyện Tiên Phước.

Huyện sẽ dành phần lớn nguồn ngân sách nông nghiệp để hỗ trợ lãi suất vốn vay cho nông dân đầu tư trồng tiêu, tập trung tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và đặc biệt là mở rộng quảng bá về thương hiệu đặc sản tiêu Tiên Phước.

Cũng theo ông Đinh Thương, khi trồng tiêu, công chăm sóc ít, tận dụng được công lao động nhàn rỗi trong sản xuất nông nghiệp. Sau khi trồng từ 2 đến 3 năm, cây tiêu sẽ cho thu hoạch. Mỗi gốc tiêu đạt từ 2 đến 2,5kg hạt.

Với giá hiện tại trên 280.000 đồng/kg, thu hoạch tiêu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chương trình khôi phục phát triển cây tiêu có hiệu quả không những giải quyết được việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn tạo cơ hội cho người nông dân vươn lên làm giàu./.

Trần Tĩnh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục