Bỉ: Tám đảng đã họp bàn về thành lập chính phủ

Đại diện tám chính đảng ở Bỉ đã gặp nhau và soạn thảo các bước đi cụ thể tiến tới thỏa thuận thành lập chính phủ chính thức.
Ngày 22/7, tám chính đảng ở Bỉ tuyên bố sẵn sàng đàm phán để thành lập chính phủ mới nhằm chấm dứt tình trạng quốc gia này không có chính phủ chính thức điều hành kể từ sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Sáu năm ngoái.

Thông báo của Hoàng cung Bỉ cho biết, đại diện các đảng trên đã gặp nhau và soạn thảo các bước đi cụ thể tiến tới thỏa thuận thành lập chính phủ mới. Bước đi đầu tiên sẽ là kiểm tra cơ sở pháp lý của những đề xuất về sửa đổi Hiến pháp.

Động thái này là tín hiệu đầu tiên có thể khai thông thế bế tắc chính trị kéo dài sau thất bại của một loạt cuộc đàm phán về thành lập chính phủ mới.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sẽ không được tiến hành ngay lập tức, do người đứng đầu đảng Xã hội của cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp Elio Di Rupo phải tuân lệnh Quốc vương Albert II tạm ngừng tiến trình này đến giữa tháng Tám tới.

Ông Rupo là nhân vật mới đây nhất được Quốc vương Anbe II chỉ định đứng ra thành lập chính phủ mới.

Diễn biến mới bắt nguồn từ việc các đảng ở vùng nói tiếng Pháp và tiếng Hà Lan tại Bỉ sẵn sàng đàm phán mà không có sự tham gia của Liên minh Flemish Mới (N-VA), chính đảng lớn nhất ở Bỉ và là đảng giành nhiều ghế nhất trong Quốc hội hiện nay.

Theo các nhà quan sát, không có sự tham gia của N-VA, các đảng trong liên minh cầm quyền mới sẽ dễ dàng hơn trong tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa yêu cầu đòi phân quyền nhiều hơn của vùng Flanders nói tiếng Hà Lan giàu có ở miền Bắc và thái độ lưỡng lự của vùng Wallonia nói tiếng Pháp ở miền Nam đối với thay đổi này. Đây là một trong những nguyên nhân gây bế tắc trong tiến trình thành lập chính phủ mới ở Bỉ.

Với 13 tháng nằm dưới sự "chèo lái" của chính phủ tạm quyền, Bỉ hiện "soán ngôi" Iraq trở thành nước lập kỷ lục thế giới về không có chính phủ chính thức điều hành đất nước.

Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình cùng ngày, Quốc vương Albert II cảnh báo, tình hình hiện nay gây lo ngại cho các đối tác kinh tế của Bỉ và có thể hủy hoại vị thế là hình mẫu về hội nhập của nước này ở châu Âu ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục