Thủ tướng Ấn Độ, Pakistan gỡ bế tắc ngoại giao

Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Pakistan đã tiến hành cuộc gặp đầu tiên trong hơn chín tháng qua nhằm chấm dứt bế tắc ngoại giao.
Ngày 29/4, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani đã tiến hành cuộc gặp đầu tiên trong hơn chín tháng qua nhằm chấm dứt bế tắc ngoại giao giữa hai nước kể từ sau loạt vụ khủng bố ở Mumbai (Ấn Độ) năm 2008 làm gần 200 người thiệt mạng.

Cuộc hội đàm đã kéo dài gần hai giờ đồng hồ, và diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nam Á lần thứ 16 ở thủ đô Thimphu của Butan.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Quereshi cho biết cuộc gặp đã diễn ra trên tinh thần xây dựng, chân thành và thuận lợi.

Hai lãnh đạo đều cho rằng đối thoại là giải pháp duy nhất và nhất trí nối lại tiến trình đối thoại bị đình trệ từ sau cuộc gặp tháng 7/2009 tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập, đồng thời cam kết không để lãnh thổ của mình bị sử dụng để chống lại bên kia.

Ông Quereshi cũng cho biết thêm các ngoại trưởng và thứ trưởng hai nước đã được giao nhiệm vụ thực hiện các cam kết trong thời gian sớm nhất. Tại cuộc gặp năm 2009, hai bên đã nhất trí rằng chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa lớn nhất đối với cả hai, song cam kết không gộp nhiệm vụ chống khủng bố vào tiến trình đối thoại toàn diện.

Về phần mình, Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Rao mô tả cuộc hội đàm đã diễn ra "tốt đẹp". Ấn Độ đã thể hiện thiện chí thảo luận về mọi vấn đề liên quan với Pakistan và giải quyết mọi vấn đề còn tồn đọng thông qua đối thoại, song nhấn mạnh rằng chủ nghĩa khủng bố đang ngăn cản tiến trình này.

Ấn Độ cũng đánh giá phía Pakistan đã "tỏ ra nghiêm túc trong việc khởi tố các thủ phạm loạt vụ tấn công vào Mumbai và đẩy nhanh các phiên xét xử để sớm ra phán quyết". Bà Rao nhấn mạnh rằng hai Thủ tướng đã tìm cách xây dựng lại lòng tin và tín nhiệm trong mối quan hệ song phương.

Chỉ vài giờ trước cuộc gặp trên, Pakistan đã rút hơn 100.000 quân khỏi vùng biên giới phía Tây giáp Ấn Độ nhằm tăng viện cho chiến dịch ở phía Đông giáp Afghanistan chống Taliban và một số nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan khác.

Việc chuyển số lượng binh lính lớn chưa từng có này là dấu hiệu cho thấy Islamabad đã nhận thức được mối đe dọa đang ngày càng tăng từ các nhóm khủng bố và nổi dậy đối với an ninh quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục