Nhật điều tra về gãy địa tầng dưới nhà máy Tsuruga

Nhật Bản đã bắt đầu khảo sát thực địa kiểm tra lớp gãy địa tầng bên dưới các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Tsuruga.
Các chuyên gia do Cơ quan quy chế hạt nhân Nhật Bản (NRA) ngày 1/12 đã bắt đầu tiến hành khảo sát thực địa để kiểm tra xem các lớp gãy địa tầng đang hoạt động có chạy ngay bên dưới các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Tsuruga hay không.

Nhà máy điện hạt nhân Tsuruga của Công ty năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAPC) nằm bên bờ biển Nhật Bản.

Với lớp đứt gãy chính Urazoko đang hoạt động và đã được xác định nằm cách các tòa nhà chứa lò phản ứng khoảng 250m, các chuyên gia lo ngại rằng các lớp gãy địa tầng khác chạy bên dưới các lò phản ứng có thể chuyển động chung với lớp gãy địa tầng Urazoko.

Nếu NRA xác định được rằng các lò phản ứng nằm trên các lớp gãy địa tầng có thể chuyển động trong tương lai, lò số 1 và 2 của nhà máy điện hạt nhân Tsuruga sẽ không được phép nối lại hoạt động và có thể phải dỡ bỏ.

Nhà máy điện hạt nhân Tsuruga ở tỉnh Fukui là địa điểm thứ hai mà NRA chọn để tiến hành điều tra tại chỗ các lớp gãy địa tầng sau nhà máy điện hạt nhân Oi của Công ty điện lực Kansai (KEPCO) cũng tại tỉnh này. NRA đã không đi đến kết luận về việc các lớp gãy địa tầng ở nhà máy điện hạt nhân Oi có đang hoạt động hay không.

Tổ máy số 1 của nhà máy điện hạt nhân Tsuruga bắt đầu hoạt động thương mại từ năm 1970, là tổ máy cũ nhất trong số 50 lò phản ứng thương mại của Nhật Bản. Mãi đến năm 2008, JAPC mới khẳng định rằng lớp gãy địa tầng Urazoko có một phần đang hoạt động ngay bên dưới nhà máy.

Một số lớp gãy địa tầng khác chạy ngay bên dưới hai lò phản ứng là phần nối dài từ lớp gãy địa tầng Urazoko, gây lo ngại về sự an toàn của nhà máy điện này.

Nhóm điều tra bao gồm nhà địa chấn học Kunihiko Shimazaki, ủy viên của NRA, và bốn chuyên gia khác do giới học giả tiến cử. Chủ tịch NRA Shunichi Tanaka đã nói rằng JAPC có thể sẽ phải đối mặt với khó khăn trong việc đưa các lò phản ứng quay trở lại hoạt động nếu phát hiện lớp gãy địa tầng đang hoạt động bên dưới.

Ông nói: “Sự tồn tại của một lớp gãy địa tầng đang hoạt động gây ra những lo ngại nghiêm trọng và tôi không thể tưởng tượng nổi có thể áp dụng biện pháp nào cho các lò phản ứng đã được lắp đặt.”

Ông Tanaka cũng cho rằng JAPC có thể ngừng không sử dụng các lò phản ứng cho đến khi lớp gãy địa tầng không hoạt động nữa./.


Nhật Bản đang cân nhắc các nguy cơ có thể gây ra bởi các lớp gãy địa tầng đang hoạt động sau cuộc khủng hoảng hạt nhân do trận động đất và sóng thần gây ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 hồi tháng 3/2011.

Trong số 50 lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản, hiện chỉ có hai lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Oi hiện đang hoạt động./.

Minh Sơn/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục