Một nền bóng đá không còn sức sống

Tụt hậu về tổ chức, kinh tế và kỹ thuật, Serie A và bóng đá Italy nói chung dường như chỉ còn tồn tại dựa trên cái bóng quá khứ.
Tụt hậu không chỉ về tổ chức, kinh tế mà còn cả kỹ thuật. Tây Ban Nha và Brazil, những đội bóng hàng đầu thế giới hiện tại, chú trọng vào chất lượng lối chơi, trong khi ở Serie A, chỉ có cơ bắp của Inter là chiến thắng.

Thất bại ở Confederations Cup 2009 vừa qua đã phơi bày tất cả những hạn chế của không chỉ đội tuyển, mà còn của cả nền bóng đá Italy, vốn vẫn còn tôn thờ những cầu thủ già cỗi (nhưng mãi mãi xanh tươi trong mắt họ) như Cannavaro.

Adalberto Bortolotti, nhà bình luận hàng đầu về bóng đá Italy, nhận xét: “Calcio đang khủng hoảng, nhưng không phải bây giờ mới thế, mà đã từ lâu rồi. Khủng hoảng về tổ chức và cơ sở hạ tầng, vì các sân vận động của chúng ta đứng hàng bét ở châu Âu về tiện nghi và hiện đại. Khủng hoảng về đạo đức, bởi làn sóng bạo lực và phân biệt chủng tộc đã quay trở lại. Khủng hoảng về kinh tế, vì các câu lạc bộ của chúng ta, kể cả các đội mạnh nhất, đã không thể đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trên bình diện quốc tế và đó cũng là một trong những lý do khiến chất lượng kỹ thuật của chúng ta ngày càng nghèo đi."
 
Italy đã vô địch thế giới trên đất Đức, trong những đêm huyền ảo mà không một tifosi (người hâm mộ bóng đá Italy) nào được phép lãng quên. Nhưng họ chỉ là đội đá tốt nhất trong một tháng World Cup, và ngoài giải đó ra, Italy chỉ còn là một đội trung bình, bị làm suy yếu bởi những tính toán quá cầu toàn và thận trọng của Lippi và những cuộc đấu đá trong nội bộ Liên đoàn bóng đá Italy.

Chức vô địch thế giới ấy là hoàn toàn xứng đáng, giành được trong một hoàn cảnh đặc biệt, có lẽ không bao giờ lặp lại nữa. Từ năm 2006, cán cân quyền lực bóng đá thế giới đã thay đổi, nhưng người Italy vẫn thế, vẫn sống như thời điểm họ chiến thắng ở Berlin cách đây ba năm.
 
Trong bóng đá, người ta nói đến một vòng tuần hoàn, nghĩa là những chu kỳ lặp lại. Có cảm tưởng trong khi thế giới tiến lên, thì bóng đá Italy đang tụt lại. Các huấn luyện viên ở Serie A đang yêu cầu các cấu thủ của mình đem chiều cao và cân nặng ra để chiến đấu, thay vì tài năng.

Bây giờ, điều rất rõ ràng là calcio đã mất đi ngôi vị hàng đầu từ lâu. Các trường phái bóng đá đang gặp thời là Brazil và Tây Ban Nha, chưa nói đến vai trò của Argentina dần dần được củng cố, đều chơi một thứ bóng đá dựa trên kỹ thuật, dựa vào chất lượng cầu thủ và khả năng cầm quân của các huấn luyện viên.

Ở Italy, chất kỹ thuật giờ đang dần mất đi, thay thế vào đó là cơ bắp. Thứ bóng đá cơ bắp đang được người Italy tung hô, nhưng nó đã trở thành lỗi thời trong nền bóng đá thế giới. Không ngạc nhiên khi trường phái bóng đá Latin vẫn không ngừng thắng thế. Ngay cả đại diện tiêu biểu của một nền bóng đá "điền kinh" là đội tuyển Anh cũng đã thay đổi. Fabio Capello đã gây ngạc nhiên khi không chỉ mang đến đây thứ bóng đá của hiệu quả, mà còn ngoạn mục và rất lôi cuốn.

Vấn đề nữa là tuổi tác. Ở mọi nơi, những cầu thủ trẻ ngay lập tức có chỗ đứng, dù là ở các câu lạc bộ hay đội tuyển quốc gia, nhưng ở Italy, mọi chuyện đều khác.

Những cầu thủ trẻ tài năng không hề ít trên sân cỏ Italy, và họ đã thể hiện năng lực của mình trong mào áo U-21. Nhưng điều đau lòng là các cầu thủ ấy chỉ tỏa sáng được ở các đội tuyển trẻ, và sau đó biến mất, thậm chí không hề có tên trong danh sách triệu tập của đội tuyển quốc gia. Pato và Balotelli là 2 tên tuổi đáng chú ý của 2 đội bóng thành Milano. Nhưng trong khi Pato được tin cậy và giao suất đá ở đội tuyển quốc gia của Dunga (anh đã chơi nhiều trận và ghi không ít bàn thắng), thì Balotelli chỉ có thể hài lòng với một vị trí ở đội tuyển U-21 Italy mà không dám đòi hỏi gì thêm nữa.

Santon, người có sức mạnh của tuổi trẻ và cá tính của một cựu binh, có thể đá chính ở bất cứ đâu. Thế mà ở đội tuyển quốc gia, Lippi không cho anh lấy một cơ hội thể hiện, mà lấy vị trí hậu vệ cánh trái của anh cho những cựu binh, những người đã xuống cả sức lực lẫn phong độ, nhưng vẫn chắc suất, vì họ là những công thần kể từ ngày đăng quang ở World Cup 2006.
 
Những lời hứa hẹn hết sức nhỏ giọt về việc trẻ hóa dần dần đội ngũ bị quên lãng, và ở Confederations Cup 2009, thay vì được chứng kiến những điều mới mẻ và hy vọng từ đội quân của Lippi, người ta đành hài lòng với kỷ lục về số trận thi đấu cho đội tuyển quốc gia của Fabio Cannavaro, người đạt bằng thành tích 126 trận chơi cho “Azzurra” của Maldini.
 
Trong khi ấy, những người dự trữ cho Cannavaro ở đội tuyển quốc gia hoàn toàn không có, đúng hơn, là có, nhưng người ta chỉ còn biết tin cậy vào những Legrottaglie, 34 tuổi vào năm 2010, và Materazzi, 37 tuổi. Khung cảnh đang diễn ra ấy rõ ràng là không có những dấu hiệu tốt đẹp để lạc quan. Kaka đã bỏ đi. Ibrahimovic sắp theo nốt. Milan phải bán cầu thủ vì thua lỗ.

Serie A chỉ mua bán trong nội bộ. Đội tuyển quốc gia xuống cấp. Người Italy chẳng học được gì từ những nền bóng đá đang tiến bộ khác, và tiếp tục tụt hậu không phanh. Một năm nữa là World Cup bắt đầu, và bây giờ, người ta vẫn tự hỏi, chúng ta có phải là những nhà vô địch thế giới?./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục