"Rủ” nhau về làm giàu

Nông dân ”rủ” nhau về làm giàu trên quê hương

Con đường đi đến tương lai của nhiều nông dân đã được mở ra khi nhiều nhà máy dịch chuyển về quê đem lại cho họ cơ hội đổi đời.
Nhọc nhằn chắt chiu từng đồng cũng chỉ tạm đủ cuộc sống hàng ngày giữa chốn thị thành, sự dấn thân ấy với nhiều người dân nông thôn đã không như mong đợi, thậm chí cuộc sống của họ cũng không tốt hơn so với khi còn ở quê nhà.

Con đường đi đến tương lai của nhiều nông dân đã được mở ra khi các khu công nghiệp, nhà máy được dịch chuyển khỏi thành phố đem lại cho họ nhiều cơ hội đổi đời thật sự.

Ra đi tưởng thoát nghèo

Nguyễn Thị Mến, 35 tuổi quê Sơn Động, Bắc Giang ra Hà Nội làm công nhân cho một Xưởng may tư nhân gần 2 năm. Nhưng với số tiền 1,4 triệu đồng/tháng cũng chỉ giúp cho Mến vun vén đủ cuộc sống hàng ngày.

Cùng thôn với Mến, có Vũ Thị Hoa cũng theo bạn bè để tìm một công việc sao cho thoát khỏi cảnh lam lũ của đồng ruộng.

Vốn năng động lại là bí thư Đoàn thôn, nhưng cuối năm 2007 Hoa vẫn quyết nộp đơn đăng ký đi xuất khẩu lao động sang Malayxia để thực hiện ước mơ làm giàu.

Hoa kể lại, sang Malayxia làm công nhân trong một xưởng giặt là, công việc tất bật từ sáng đến tối nhưng tiền làm ra cũng chẳng nhiều nhặn gì.

Dù muốn nhảy sang việc khác để kiếm tiền khá hơn nhưng cũng không dễ vì không phải việc nào phụ nữ cũng làm được lại còn hợp đồng lao động nữa.

“Nhiều lúc tôi định bỏ về quê làm ruộng cho xong, nhưng nghĩ đến mấy đứa con nheo nhóc không có tiền đóng học tôi lại cố,” nước mắt Hoa tuôn rơi khi nghĩ lại những tháng ngày vất vả nơi đất khách quê người.

Sơn Động là huyện duy nhất của tỉnh Bắc Giang được thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững giành cho 62 huyện nghèo trong cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Với sự trợ giúp của Tập đoàn dệt may Việt Nam (vinatex), công ty May Sơn Động đã được khánh thành tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang nhằm thu hút một lực lượng lớn lao động địa phương vào làm việc.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần May Sơn Động tâm sự, sau một thời gian dài trăn trở để quyết định xây dựng một nhà máy May xuất khẩu tại một huyện còn nghèo tôi tưởng sẽ không thành công.

“Nhưng thời gian đã cho tôi thấy tay nghề của những người công nhân ở đây có thể làm và làm rất tốt,” ông Dương nói.

Theo ông Dương, trong năm 2011, Công ty cổ phần May Sơn Động sẽ tiếp tục hoàn chỉnh dự án với 12 chuyền sản xuất hàng may xuất khẩu. Số lượng sản phẩm sản xuất ước đạt 1,5 triệu sản phẩm/năm, giá trị tổng sản lượng đạt khoảng 40 tỷ đồng/năm, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6 triệu USD/năm.

Trở về làm giàu trên quê hương

Với Hoa, Mến và nhiều người dân nông thôn Bắc Giang, thì ngày có một nhà máy mọc lên cũng chính là ngày họ được trở về đóng góp và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Hoa tâm sự, với kinh nghiệm sẵn có trong thời gian tại Malayxia, chỉ sau 4 tháng thử việc mình đã trở thành Trưởng chuyền Tổ sản xuất 4, quản lý 55 công nhân, trong đó có trên 30 công nhân là người dân tộc.

“Ước mơ được làm việc tại một nhà máy gần nhà đã trở thành hiện thực, giúp mình và gia đình có thể tiết kiệm được 30-40 triệu đồng/năm để giành cho các con ăn học, bởi ngoài giờ làm việc và ngày nghỉ, mình vẫn có thể canh tác nông nghiệp, trồng rừng và chăn nuôi…

Nhưng điều làm chị vui sướng hơn chính là được ở gần chăm sóc cha mẹ và gia đình. Hơn nữa Hoa còn “kéo” được hơn 10 người bạn trở về quê làm công nhân tại nhà máy này.

Trong số những người trở về lần này còn có Mến và chị cũng được nhận vào làm việc chính thức tại tổ sản xuất 4 cùng dây chuyền với Hoa.

“Ai dám nghĩ quê mình có công ty may hoành tráng như thế! Hồi mình còn làm ở Hà Nội, có mơ cũng không nghĩ tới chuyện sẽ về quê làm công nhân, lại được ở gần gia đình.”

Gặp chúng tôi ở công ty, Mến đã không giấu nổi vui mừng khi cho biết vừa được nhận tháng lương đầu tiên và “mình sẽ giành nó để mua cho con gái chiếc xe đạp đi học cho đỡ vất vả.”

Sự ra đi, hay trở về của nhiều công nhân cũng chỉ là sự lựa chọn, nhưng nhờ có con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà đã giúp những người con ly nông, ly hương trở về xây dựng quê hương.

Thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ quản lý và đào tạo tay nghề cho công nhân rồi chuyển giao lại cho công ty May Sơn Động, anh Nguyễn Văn Ngà, hiện là Tổ trưởng Tổ sản xuất 2 cho biết, hồi đầu hướng dẫn công nhân cũng vất vả lắm, do chưa quen với tác phong sản xuất công nghiệp nên sản phẩm bị hỏng và lỗi nhiều.

Nhưng đến thời điểm này, công nhân đi vào sản xuất đạt trên 70% so với năng suất những công nhân may lành nghề, tương đương 450-500 sản phẩm/ngày, thu nhập khoảng 1,5-1,7 triệu đồng/người/tháng, bằng 70% lương trung bình của công ty cổ phần May Hưng Yên.

Anh Ngà cũng tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, tay nghề của các công nhân ở đây chắc chắn sẽ cao hơn giúp họ có điều kiện để nâng cao thu nhập và giúp họ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương ấy./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục