Phòng chống tội phạm cần sự tham gia của nhân dân

Phó Thủ tướng cho rằng công tác phòng, chống tội phạm chỉ đạt kết quả tốt khi có sự tham gia, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.
Ngày 30/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia Phòng chống tội phạm đã tổng kết thực hiện Nghị quyết 09/CP của Chính phủ và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 1998-2010.

Dưới sự chủ trì của Đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo, hội nghị đã tổng kết, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở Trung ương và địa phương; những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tội phạm qua 12 năm thực hiện Nghị quyết 09/CP trên các mặt phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm…

Việc phát hiện, phản ánh và biểu dương, nhân rộng những cá nhân, tập thể điển hình trong công tác phòng, chống tội phạm, những mô hình, phong trào phòng, chống tội phạm tốt… Hội nghị cũng đề xuất những biện pháp, cách thức tổ chức công tác phòng, chống tội phạm để đạt kết quả cao hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng, kết quả 12 năm thực hiện Nghị quyết 09/CP của Chính phủ và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm đã chứng minh một chủ trương đúng, hiệu quả của Chính phủ. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tội phạm chỉ có thể đạt kết quả tốt khi có sự tham gia, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.

Lưu ý các ban, ngành chức năng và các địa phương về diễn biến phức tạp của tình hình trật tự an toàn xã hội, các nguyên nhân điều kiện phát sinh, phát triển tội phạm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp cần tổng hợp các tồn tại, yếu kém và có biện pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả của Chương trình.

Phó Thủ tướng chỉ rõ thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương một số nơi còn có biểu hiện chưa sâu sát, thường xuyên và liên tục. Công tác tuyên truyền phát động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm chưa thật sự sâu rộng; vai trò của các ngành, Mặt trận và các đoàn thể trong việc quản lý, giáo dục, cảm hóa cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư có nơi còn đạt hiệu quả thấp…

Phó Thủ tướng đề nghị thời gian tới, để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đáp ứng yêu cầu công tác, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần chú trọng hơn nữa công tác phòng, chống tội phạm; tích cực phòng ngừa, chủ động tấn công phòng, chống tội phạm, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm.

Ở đâu không làm tốt công tác này, gây bức xúc trong nhân dân thì Bí thư, Chủ tịch và Giám đốc Công an địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bao che, bỏ lọt tội phạm.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp kinh tế-xã hội để thông qua đó, làm giảm tỷ lệ phạm tội. Lồng ghép công tác phòng, chống tội phạm với thực hiện các chương trình, kế hoạch giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc như đói nghèo, dịch bệnh, việc làm, suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội, trật tự kỷ cương xã hội.

Tăng cường giáo dục, tuyên truyền tinh thần dân tộc, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về pháp luật, đạo đức, lối sống. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân tại từng địa bàn dân cư, nhất là tại các địa bàn trọng điểm.

Phó Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống tội phạm, có cơ chế thu hút, khuyến khích các đoàn thể chính trị-xã hội, các tổ chức phí Chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân tham gia. Tập trung xây dựng lực lượng Công an Nhân dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật vững mạnh, vững vàng về bản lĩnh chính trị, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tiếp tục hoàn thiện văn bản, cơ chế phòng, chống tội phạm.

Qua 12 năm thực hiện Nghị quyết 09/CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, các ngành, các đoàn thể và quần chúng nhân dân, tạo chuyển biến cơ bản nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm, quyền lợi trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Công tác điều tra, xử lý tội phạm chất lượng ngày càng được nâng cao.

Cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá được nhiều vụ án lớn về hình sự, kinh tế, ma túy, tham nhũng; triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm nghiêm trọng; làm rõ được nhiều vụ án tồn đọng kéo dài gây bức xúc trong dư luận xã hội; ngăn chặn, hạn chế hậu quả, tác hại của nhiều loại tội phạm mới.

Chương trình cũng đã xây dựng được nhiều mô hình, tổ chức quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm tại cơ sở, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân tham gia nhiều hơn, trực tiếp hơn vào các hoạt động phòng, chống tội phạm, góp phần tạo môi trường ổn định, lành mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, làm cho nhân dân thực sự tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác được nâng cao, sẵn sàng tham gia phòng, chống tội phạm , bài trừ các tệ nạn xã hội.

Từ năm 1998 đến nay, số vụ phạm pháp hình sự giảm 10,07% so với giai đoạn 1986-1997; một số địa phương giảm mạnh như (Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Nam Định, Bến Tre…); bắt xử lý tội phạm về ma túy tăng gấp ba lần; giảm được 25% số đối tượng truy nã ngoài xã hội.../.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục