Giành giật từng cm đất

Nan giải điểm đỗ xe ôtô: Giành giật từng cm đất

Thiếu bãi đỗ xe ôtô đang trở thành vấn đề nan giải đối với chủ xe khiến việc tìm được nơi đậu xe phải giành giật từng mét đất.
Đến cơ quan thì chỉ nhận được cái lắc đầu hết chỗ để ôtô, chị Nguyễn Thanh Huyền phải lòng vòng qua ba con phố mới tìm được chỗ đậu “xế hộp”.

“Do các điểm dừng đỗ này chỉ đủ chỗ cho vài ba chục xe ôtô, nên các thượng đế hàng ngày phải khổ sở đi sớm để “xí chỗ” đỗ xe, chậm chân là hết chỗ, muộn giờ làm,” chị Huyền tâm sự.

Thiếu bãi đỗ xe ôtô trầm trọng đang trở thành vấn đề nan giải đối với thành phố Hà Nội khi lượng ôtô mới đăng ký ngày một tăng, trong khi quy hoạch các bãi đỗ xe vẫn giẫm chân tại chỗ. Không có chỗ đỗ xe khiến tình trạng ôtô dừng, đỗ sai quy định dưới lòng đường ngày một nhiều, gây ùn tắc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đô thị.

Giành giật từng cm đất

Lâu nay người dân Thủ đô đi trên các tuyến phố như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt và Hai Bà Trưng, Mai Hắc Đế… đã trở nên quen thuộc với hình ảnh vỉa hè, lòng đường thành nơi đỗ ôtô.

Tại một số điểm khác, do không đủ chỗ đỗ dưới lòng đường, ôtô, xe máy cũng thản nhiên “ngự” trên vỉa hè, bất chấp đoạn đường đó có được phép hay không.

Với các tuyến phố phân làn, mặc dù thành phố Hà Nội yêu cầu không đỗ ôtô trên đường nhưng quan ôtô vẫn đỗ thành hàng dài trên nhiều tuyến phố như Giải Phóng, Xã Đàn, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân.

Ở hầu hết các khu đô thị, khu nhà tập thể cũ, cơ quan Nhà nước doanh nghiệp do chưa tính đến điều này nên bãi đỗ xe ôtô bị thiếu trầm trọng, trong khi các khu thương mại, khu chung cư hiện đại mới xây dựng thì việc quy hoạch bãi đỗ xe lại chưa được thực hiện triệt để.

Điểm đỗ thiếu, nhưng nhu cầu của người dân lại ngày một tăng. Khi nhu cầu đỗ xe ôtô cao, hàng loạt bãi trông giữ xe tự phát mọc lên, thu phí “cắt cổ”. Trên khắp các tuyến phố Hà Nội, rất hiếm nơi nào khách được gửi xe với giá  đúng theo quy định. Đặc biệt tại nhiều khu chung cư, chi phí hàng tháng cho dịch vụ trông giữ xe rất khá cao.

Lo việc điểm trông xe không chỉ ở cơ quan mà ngay cả khi về nhà tìm được chỗ để xe cũng là hành trình nhọc nhằn đối với chủ xe.

Chị Nguyễn Thị Hà, ở quận Long Biên (Hà Nội) cho biết: "Tìm điểm trông giữ ôtô gần nhà bây giờ "khó như mò kim đáy biển". Tới cơ quan phải giành giật nhau từng mét đất để tìm chỗ đỗ.”

Cũng may, ở nhà chị có mảnh vườn nên xây ngôi nhà tạm để giữ ôtô. Vài người biết chuyện cũng xin được gửi ôtô vào cái gara nhỏ của chị. Thế là, với điểm đỗ mini, mỗi tháng ngoài chuyện có chỗ để xe, chị Hà còn thu về vài triệu tiền trông ôtô.

Những trường hợp mở bãi trông xe ôtô mini không phép kiểu chị Hà giờ đang phổ biến ở Hà Nội. Nhiều gia đình ở các quận, huyện ven đô còn tận dụng đất rộng, thậm chí bỏ cả vườn để trông ôtô thuê.

Mạng lưới không hợp lý


Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện tại, toàn Thành phố có 1.178 điểm, bãi đỗ xe có giấy phép, chiếm diện tích gần 43ha. Tuy nhiên, các bãi đỗ, điểm đỗ này chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đỗ xe của tổng các phương tiện hiện có.

Số phương tiện còn lại, hiện phải đỗ trong các điểm đỗ xe của chung cư, đô thị, cơ quan, trường học, lòng đường, vỉa hè... Tất cả các vị trí này đều không được cấp phép và vi phạm về trật tự công cộng, an toàn giao thông.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: “Mạng lưới điểm, bãi đỗ xe công cộng phân bố không hợp lý, nơi cần thì thiếu, nơi chưa cần thì có nhiều. Chủ yếu tập trung trong 8 quận nội thành, từ Trung tâm Thành phố đến vành đai 2. Mạng lưới bến, bãi, điểm đỗ xe không những thiếu về số lượng mà còn kém về chất lượng dịch vụ gây khó khăn trong công tác quản lý, mất mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông.”

Ngoài ra, theo ông Linh, thành phố đang xuất hiện tình trạng một số quy hoạch quỹ đất dành cho giao thông tĩnh nhưng bị sử dụng sai mục đích điều đó gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc kiểm tra, kiểm soát bãi đỗ xe chưa được duy trì thường xuyên nên còn xuất hiện tình trạng nhiều điểm trông giữ xe “dù” tự phát gây mất trật tự và gây ùn tắc giao thông.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lam, Phó Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết: “Đơn vị hiện quản lý khoảng 187 điểm đỗ, trong đó có 8 điểm đỗ chính, trông giữ xe trong khu vực nội thành, tổng diện tích hơn 106.000m2 với sức chứa 15.260 ôtô (chủ yếu tận dụng vỉa hè, lòng đường) nhưng mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.”

“8 điểm đỗ chỉ có sức chưa được 10% nhu cầu đỗ xe, còn lại 90% số phương tiện có nhu cầu đỗ hiện nay đang đỗ tại vỉa hè, lòng đường,” bà Lam đánh giá.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cho biết, với các đơn vị, cơ quan trung ương và địa phương đóng trên các tuyến phố phân làn, vừa qua Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã gửi 150 thông báo về việc không dừng đỗ xe trên đường, nhưng việc tự giác chấp hành dừng đỗ của các cơ quan này vẫn chưa cao.

“Với số lượng phương tiện cá nhân, nhất là xe ôtô tăng quá nhanh (từ 10-15% mỗi năm) trong khi cơ sở hạ tầng thiếu trầm trọng thì nhu cầu về điểm dừng đỗ xe khó có thể giảm,” đại diện phòng Cảnh sát giao thông chia sẻ.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, hệ thống bãi đỗ xe công cộng của thành phố mới chỉ đáp ứng được quá ít nhu cầu điểm đỗ trên tổng số phương tiện cá nhân hiện có. Trong khi đó dân số Hà Nội đang ngày một tăng lên. Các công sở, cơ quan không chịu "lùi" ra ngoài phạm vi Thành phố mà cứ bám trụ trong nội đô, trong khi lượng phương tiện cá nhân (ôtô con) tăng cấp số nhân khiến bài toán giao thông tĩnh ngày càng khó giải.

“Hiện nay khi xây dựng một số công trình, tổ hợp công trình và một số khách sạn lớn trong nội đô, chúng ta cũng đã chú trọng khai thác tầng hầm làm bãi đỗ xe nhưng khai thác, quản lý sử dụng chưa hợp lý cho nên nhiều bãi đỗ xe của những nơi này lại được khai thác vì mục đích kinh doanh, chứ không phải để đỗ xe. Do đó, việc thiếu điểm đỗ xe đã trầm trọng, lại càng trầm trọng hơn,” ông Nghiêm chỉ ra thực tế quản lý và khai thác.

Để giải quyết vấn đề này, ông Nghiêm cho rằng, Hà Nội cần phải xem xét lại đồng bộ các yếu tố bao gồm quy hoạch giao thông, phương tiện giao thông, quản lý tổ chức giao thông và phải gắn với từng giai đoạn phát triển./.

Thanh Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục