Tết chưa đến, hàng giả đã ''bay'' ra thị trường

Cứ vào thời điểm gần Tết, nhu cầu mua sắm tăng, hàng giả, kém chất lượng tràn ra thị trường Bạc Liêu, song hành với những sản phẩm hợp pháp.
Cứ vào thời điểm gần Tết, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng gia tăng, cũng là dịp để hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu được dịp "bay" vào thị trường Bạc Liêu song hành cùng với những sản phẩm do các doanh nghiệp hợp pháp sản xuất.

Từ đó gây ra nhiều bất lợi cho người tiêu dùng và làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chính thống. Vấn nạn này, cứ như là ''đến hẹn lại lên" làm cho cơ quan Quản lý thị trường đau đầu ''dẹp loạn'' hàng giả, hàng lậu mỗi khi năm hết, Tết đến.

Hiện nay, khắp các chợ trong tỉnh Bạc liêu, nhiều sản phẩm nhựa, đồ may mặc, hàng điện tử... được bày bán, rao bán tràn lan trên vỉa hè, chợ chạy, xe đẩy len lỏi khắp đường làng, hẻm phố với mẫu mã, màu sắc rực rỡ của sản phẩm và đủ loại giá rao bán.

Trước "mê trận" của sản phẩm và lời đường mật của người bàn hàng, người tiêu dùng nếu không cẩn thận khi mua sắm, khó có thể biết đâu là hàng giả, đâu là hàng thật. Nhiều sản phẩm hàng giả với kiểu dáng phong phú, đa dạng y như thật, giá cả lại "mềm” nên dễ đánh lừa người mua.

Như nhãn hiệu Gucci (giả) với các mặt hàng như nước hoa, thắt lưng, đồng hồ, ví đựng tiền... chỉ có giá từ vài chục ngàn đến vài trăm đồng, mua thứ nào cũng có. Đối với hàng điện tử thì việc quản lý chất lượng càng khó khăn hơn.

Tại Bạc Liêu, dù không phải là thị trường "trọng điểm" của hàng giả, hàng lậu, nhưng từ đầu năm đến nay, các đơn vị chức năng chống hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại đã tổ chức kiểm tra trên 1.000 vụ, phát hiện 862 vụ kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng lậu và đã tổ chức tiêu hủy nhiều điện thoại di động, bột ngọt, rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, nồi cơm điện,...

Ông Đồng Thanh Út, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: "Vào thời điểm cuối năm, hàng giả, hàng lậu xuất hiện rất nhiều. Việc kiểm tra của đơn vị chủ yếu là ở các cửa hàng kinh doanh cố định, còn những địa điểm di động thì không thể quản lý nổi. Để thị trường Tết không bị "loạn", đơn vị sẽ kết hợp với cơ quan chức năng kiểm tra thị trường chặt chẽ hơn nữa. Chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý mạnh, kết hợp răn đe đối với các trường hợp sai phạm".

Để tránh thiệt hại, người tiêu dùng không nên mua và sử dụng các loại hàng bán trôi nổi trên thị trường, dù hàng hóa đó được bán với giá rẻ hoặc được hưởng khuyến mãi với bất cứ hình thức nào.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về tác hại, cách phân biệt hàng giả, hàng lậu cho người tiêu dùng và các đơn vị kinh doanh; đồng thời kiểm tra chặt chẽ các điểm bán hàng trương bảng hiệu "đại hạ giá", có nơi lên đến trên 50% là trái luật quy định, để kiểm tra hàng'' Sale''là thật hay giả.

Người tiêu dùng là đối tượng trực tiếp bị thiệt hại về nhiều mặt từ vật chất đến sức khỏe khi mua nhầm và sử dụng hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, nhất là đối với các mặt hàng như dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm.

Bởi vậy, trong khi chờ đợi những biện pháp quản lý hữu hiệu của ngành chức năng, bản thân mỗi người hãy học cách là "người tiêu dùng thông minh"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục