Bầu chọn TGĐ IMF phải phản ánh thực trạng thế giới

"Bầu chọn TGĐ IMF cần phản ánh thực trạng thế giới"

Các Giám đốc của IMF phụ trách BRICS tuyên bố bầu chọn người đứng đầu IMF cần phản ánh tính chất thay đổi của kinh tế toàn cầu.

Việc bầu chọn người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cần phản ánh tính chất thay đổi của nền kinh tế toàn cầu và không thể căn cứ vào tiêu chí quốc tịch.

Các Giám đốc của IMF phụ trách nhóm 5 nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) ngày 24/5 đã tuyên bố như vậy khi đề cập vấn đề chọn người kế nhiệm ông Dominique Strauss-Kahn - người mới đệ đơn từ chức Tổng Giám đốc IMF do liên quan vụ bê bối tình dục.

Theo "luật bất thành văn" từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, chiếc ghế này luôn thuộc về một người châu Âu.

Trong một thông cáo chung, các giám đốc của IMF tại 5 nước thành viên khối BRICS gồm Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Nga tuyên bố "thỏa thuận ngầm" về việc bầu chọn Tổng Giám đốc IMF dựa theo tiêu chí quốc tịch trên thực tế đã làm suy yếu tính hợp pháp của định chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới này.

Thông cáo cũng bác bỏ việc người kế nhiệm cựu Tổng Giám đốc Strauss-Kahn - chính trị gia kỳ cựu người Pháp - sẽ tiếp tục là một nhân vật đến từ châu Âu.

Thông cáo nêu rõ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây bắt nguồn từ các nước phát triển cho thấy nhu cầu cấp bách của việc cải cách các định chế tài chính quốc tế cũng như phản ánh vai trò đang gia tăng của các nước đang phát triển trong nền kinh tế thế giới.

Thực trạng kinh tế toàn cầu hiện nay đòi hỏi phải xóa bỏ thỏa thuận ngầm vốn đã lỗi thời giữa Mỹ và châu Âu, theo đó chức vụ Tổng Giám đốc IMF thuộc về một người châu Âu, còn người Mỹ giữ chiếc ghế Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB).

Vẫn theo thông cáo trên, lãnh đạo IMF sắp tới sẽ được chọn căn cứ vào tài năng chứ không phải quốc tịch, và việc này sẽ được quyết định sau khi Ban Giám đốc IMF tham vấn với tất cả các thành viên, để chứng tỏ tính hợp pháp và đáng tin cậy của cơ quan này.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 24/5, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico, ông Agustin Carstens cho biết nỗ lực trở thành người ngoài châu Âu đầu tiên giữ chức vụ Tổng Giám đốc IMF của ông đã được chấp nhận và ông hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ các nước phát triển cũng như đang phát triển. Ông Carstens nói với phóng viên hãng tin Reuters rằng ông đã thảo luận vấn đề này với nhiều nước gồm cả Mỹ, cổ đông lớn nhất của IMF.

Trước đó, Paris cũng tuyên bố Trung Quốc ủng hộ nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde trở thành tân Tổng Giám đốc IMF. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đưa ra bình luận.

Đầu tuần này, Ban giám đốc IMF gồm 24 thành viên đã bắt đầu xúc tiến việc đề cử để chọn người đứng đầu cơ quan này. Quá trình này dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 10/6 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục