Du lịch duyên hải miền Trung chưa có sự gắn kết

Dải đất duyên hải miền Trung từ Thừa thiên Huế đến Bình Thuận có vị trí đặc biệt trên bản đồ du lịch VN đang phát triển thiếu gắn kết.

Ngày 14/11, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch tổ chức một cuộc tọa đàm về phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cùng đông đảo các nhà lãnh đạo, các công ty du lịch lữ hành của 7 tỉnh miền Trung là: Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Quãng Ngãi, Quảng Nam đã dự buổi tọa đàm.

Buổi tọa đàm được coi là bước tiền đề tiến tới hội thảo về liên kết du lịch vùng Duyên hải miền Trung được tổ chức tại Phú Yên vào 19/12 tới trong khuôn khổ năm du lịch quốc gia tại Phú Yên.

Tại cuộc tọa đàm, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nêu rõ dải đất duyên hải miền Trung từ Thừa thiên Huế đến Bình Thuận có vị trí đặc biệt trên bản đồ du lịch Việt Nam bởi tài nguyên du lịch biển, các di sản văn hóa thế giới và sự đa dạng về sinh thái, môi trường. Tuy nhiên, những năm qua, liên kết du lịch trong khu vực vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng.

Trong 7 tỉnh, hiện nay chỉ có Đà Nẵng là phát huy được lợi thế về du lịch của mình, tuy nhiên dấu ấn vẫn chưa thực sự rõ ràng, nhiều sản phẩm du lịch vẫn mang tính dàn trải, chưa có sự đột phá. Đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng: liên kết có ý nghĩa sống còn đối với du lịch vì bản chất của du lịch là phải liên kết. Thế nhưng, cái khó trong việc liên kết vùng duyên hải miền Trung là do không tìm được một “nhạc trưởng” để lãnh đạo.

Mặc dù đã có nhiều hội thảo kêu gọi sự liên kết giữa các tỉnh trong khu vực được tổ chức nhưng cho đến nay vẫn chưa có được sự cam kết nào mang tính bền vững.

Ông Phan Đức Mấn-Giám đốc Công ty du lịch Kim Liên cho rằng hiện nay các tỉnh mạnh ai nấy làm, độc lập trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, mà không có sự gắn kết. Muốn phát triển bền vững và lâu dài, không nên làm riêng lẻ, mà cần sự đoàn kết, phối hợp lẫn nhau để cùng tổ chức những đợt xúc tiến, quảng bá đậm đà, hoành tráng cả trong và ngoài nước.

Bà Nguyễn Thị Minh Thu-Tổng Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Mê Kong thì nêu ý kiến, mặc dù lợi thế là vùng đất đậm đặc tài nguyên biển, có các di sản và các làng nghề truyền thống, nhưng cho tới nay vẫn chưa tìm ra thương hiệu du lịch cho vùng. Thêm vào đó là bấy lâu nay chúng ta chỉ chú trọng vào số lượng mà không quan tâm đến chất lượng nên chất lượng du lịch còn kém, du khách phàn nàn nhiều.

Ngoài ra một số doanh nghiệp cũng kiến nghị nên có thêm những ưu đãi cũng như chính sách đối với ngành du lịch, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, trạm nghỉ, dừng chân cho du khách…

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nêu đề xuất thành lập một tiểu ban du lịch ở vùng Duyên hải miền Trung để tối ưu hóa mặt chính sách, quảng bá và liên kết cho vùng.

Ông Tuấn cũng cho biết những ý kiến của các doanh nghiệp lữ hành tại buổi tọa đàm hôm nay sẽ được tổng kết để đưa ra tại Hội thảo về liên kết vùng tại Phú Yên vào ngày 19/12 sắp tới./.

Bằng Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục