Người người thành kính, hoan hỉ dự Đại lễ Phật đản

Hàng vạn Tăng ni, Phật tử dự Đại lễ Phật đản ở Hà Nội với niềm thành kính và xúc cảm thiêng liêng. Rực rỡ cờ hoa, náo nức lòng người...
Sáng 17/5/2011 (tức ngày rằm tháng Tư âm lịch), tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Đại lễ mừng Đức Phật đản sinh đã diễn ra hết sức long trọng trong niềm hoan hỉ, xúc động của hàng vạn Phật tử. Trong rừng cờ hoa của nhà Phật, người người đều hướng về đấng Thế tôn với sự thành tâm, với niềm an nguyện. Từ 8h sáng, các xe hoa rước tượng Phật từ các quận huyện trong toàn thành phố Hà Nội đã tề tựu gần khu vực lễ đài chính. Tất cả những người có mặt tham dự Đại lễ Phật đản ai cũng thành kính và rưng rưng xúc cảm. Những ai tham dự lần đầu đều rất bất ngờ và như bị ngợp trước một không khí chưa từng thấy. Đúng 9h sáng, các xe hoa lần lượt rước qua lễ đài rực rỡ trong ánh mắt phấn khởi, đón chờ của các Phật tử tham dự. Cô Loan, một Phật tử về từ Thanh Oai nói: “Tôi đã đi từ sáng sớm. Mỗi năm chỉ có một lần về mừng lễ đản sinh. Chúng tôi đã nhìn thấy xe của huyện mình đi đến. Lạy Ngài, Ngài ngự trên xe hoa rất đẹp.” Tiếp sau các đại lão hòa thượng đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiến hành nghi lễ tắm Phật,  Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng nhiều lãnh đạo Nhà nước và lãnh đạo thành phố Hà Nội đã được mời lên thực hiện nghi lễ tắm Phật. Phía dưới lễ đài, muôn người cung thỉnh hướng về Đức Phật. Những lời nguyện "Quốc thái dân an" vang  trên hệ thống phóng thanh nhân âm hưởng cùng tiếng lòng của người người có mặt. Anh Tuấn, người tham gia trong đội múa lân mừng lễ hội nói: “Chúng tôi rất phấn khởi. Đã tham dự nhiều lễ hội vui nhưng lễ hội có sự thành kính, đồng tâm của nhiều người thế này tôi thấy rất ý nghĩa.”   Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm- Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Trưởng ban Hoằng pháp trung ương đã giảng về Ý nghĩa Phật đản Phật lịch 2555, dương lịch 2011: “Tôn trọng sự sống là một điều ước được đề cao trong Phật giáo, bảo vệ rừng, đấu tranh cho quyền muông thú, chia sẻ nhưng ích lợi một cách bình đẳng, dẹp bỏ tư duy con người có quyền tối thượng, có quyền hưởng thụ và ép buộc mọi thứ phải theo mình." Thượng tọa nhắn gửi: "Người Phật tử nhận thức sâu sắc lời Phật dạy là người luôn ý thức rằng không thể mình có hạnh phúc khi mình xâm phạm đến hạnh phúc của người khác; mình không thể có môi trường sống tốt lành nếu không biết đóng góp thiết thực xây dựng một môi trường sống lành mạnh, xanh tươi…" "Ngược lại, mối suy nghĩ, lời nói và hành động có hại cho người khác, cho môi trường cũng chính là đang gây hại cho chính mình,” Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh./.
Trong bản thông điệp của Đức pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật Giáo Việt Nam gửi tăng ni, cư sỹ Phật tử nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2555 dương lịch 2011, hòa thượng Thích Phổ Tuệ nhắn nhủ: “Thế giới nói chung và đất nước ta nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn tác hại do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu môi trường, nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, nhiệt độ trái đất gia tăng, hạn hán, lũ lụt dịch bệnh, sóng thần động đất, nước biển dâng…đang là những thảm họa đe dọa đến sự an nguy của sự sống con người.

Hơn lúc nào hết, tôi kêu gọi mỗi Tăng ni Phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ  bản chất của giáo lý Phật đà về luật vô thường, về tôn trọng sự sống và mối liên hệ hữu cơ giữa con người và thiên nhiên, để chung tay với cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường xã hội và sự an nguy của trái đất, đó là việc làm thiết thực để kính dâng ngày đản sinh Đức Từ Phụ của chúng ta.”
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục