Mướt mải vào năm học

Phụ huynh mướt mải lo tiền cho con vào năm học

Không chỉ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ngay cả những gia đình khá giả cũng mướt mồ hôi chạy vạy lo tiền cho con đi học.
Đầu năm học mới đang đến, các bậc phụ huynh tất tưởi lo sắm sửa quần áo, sách vở cho con mình tựu trường. Không ít phụ huynh đã phải “còng lưng” để có đủ khoản tiền này.

Chị Thúy ở Khâm Thiên, Hà Nội, cho biết, chị có con trai là Hải Anh đang học lớp 3 trường Tô Vĩnh Diện, quận Đống Đa. Đầu năm học trước, chỉ riêng tiền sắm sửa quần áo, cặp sách, giầy dép… và đóng góp đầu năm học cho con cũng ngót ngét ba triệu đồng. Tuy nhiên, chị Thúy e rằng, năm nay, trước tình trạng lạm phát có thể các khoản đóng góp, sắm sửa cho con sẽ nhiều hơn thế.

Trong khi đó, lương bán hàng của vợ chồng chị mỗi tháng chỉ có hơn hai triệu đồng. Ngày thường vợ chồng chị không tiết kiệm được đồng nào, thành thử đến năm học mới chị lại phải long đong chạy vạy lo tiền cho con.

Hai tháng trước khi năm học mới bắt đầu, chị Thúy đã phải nhờ mẹ chồng lo cơm nước và tắm rửa cho con chị, còn chị thì xin làm tăng ca.

Bình thường mỗi ngày chị chỉ bán hàng 8 tiếng theo ca sáng hoặc chiều nhưng do cần tiền đóng học cho con nên chị Thúy đã xin chủ cho làm thêm 4 tiếng mỗi ngày. Thậm chí chị xin đi làm thêm cả ngày nghỉ duy nhất trong tuần để kiếm thêm thu nhập.

Nhờ tăng ca, mỗi tháng chị cũng kiếm thêm được 700.000 đồng. Vậy là nỗ lực trong hai tháng chị Thúy đã lo được một nửa số tiền học đầu năm cho con.

“Nếu mình cố làm liên tục như thế trong 4 tháng sẽ lo được đủ tiền đầu năm cho con nhưng bốn tháng liền làm không nghỉ thì sẽ đổ bệnh mất. Thôi thì thiếu bao nhiêu đành vay mượn bạn bè rồi trả dần,” chị Thúy phân trần.

Giống như chị Thúy, chị Nguyệt ở Đê La Thành, Hà Nội, cũng sấp ngửa chạy vạy lo tiền học cho hai đứa con. Con lớn của chị năm nay lên lớp 6 còn đứa nhỏ cũng bước sang học lớp mầm non 5 tuổi.

Chị Nguyệt cho biết, chuẩn bị cho hai đứa con bước vào năm học mới là nhà chị đã nặng nợ lắm. Tiền trường chỉ là khoản “cứng,” những khoản khác như tiền sắm sửa quần áo, sách vở, giầy dép, rồi tiền học thêm cho hai con… cũng hết chừng bốn, năm triệu, đủ để vợ chồng chị phải “toát mồ hôi.”

Làm sao không lo được khi đồng lương còm từ công việc tiếp thị của vợ chồng chị trong thời lạm phát sống đã đủ chật vật lắm rồi. Bởi vậy, phải xoay sở ngần ấy tiền với anh chị không phải là chuyện nhỏ.

Chị Nguyệt kể rằng, ngoài giờ đi tiếp thị cho một hãng bút bi, trong tháng nghỉ hè không phải kèm con học, anh chị còn tranh thủ buổi tối nhận giấy về gấp phong bì cho một số chủ tư nhân.

Thu nhập từ khoản này tháng cao nhất cũng chỉ được 500.000 đồng, chẳng thấm vào đâu, thành thử chị lại phải “thắt lưng buộc bụng,” hạn chế những khoản chi tiêu ngày thường.

Bữa cơm hàng ngày của anh chị chủ yếu là rau, chỉ thức ăn của hai con chị mới có thêm phần trứng, thịt.
 
“Cứ đến đầu năm học của các con là tôi đau hết cả đầu,” chị Nguyệt than thở.

Tưởng như chỉ những gia đình cho con theo học trường ở nội thành mới tốn kém, chật vật vậy mà, không ít phụ huynh có con học ở trường ngoại thành cũng “bở hơi tai” lo các khoản đầu năm học cho con.

Như trường hợp của anh Thành ở Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội có hai con gái đều đang học cấp hai trong trường làng. Anh Thành bảo, cứ theo những năm học trước, tính sơ sơ tất cả các khoản tiền trường và sắm sửa đầu năm học cho hai con cũng gần bốn triệu đồng.

Với mức thu nhập của những người lao động phổ thông như vợ chồng anh thì “xoay” được bốn triệu đồng một lúc thật chẳng dễ dàng.

Hai con đi học khá tốn kém trong khi nghề chạy xe ôm của anh thì thu nhập bấp bênh. Lương phụ hồ của vợ anh cũng thấp. Trước khó khăn như vậy, vợ chồng anh phải tính đủ mọi cách để có thể giảm được chi phí đầu năm học của con.

Anh kể, ngay khi kết thúc năm học trước, hai vợ chồng đã đến nững người thân quen để xin lại sách cho con. Anh dạy bọn trẻ giữ gìn đồ dùng cẩn thận để mấy năm mới phải mua cặp sách, giầy dép cho con một lần… Như vậy gia đình anh cũng tiết kiệm được một khoản nho nhỏ.

Bên cạnh những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như chị Thúy, chị Nguyệt, anh Thành thì với những người có điều kiện kinh tế khá hơn vẫn phải đau đầu về những khoản đầu năm học của con.

Như trường hợp của chị Hà, Long Biên, Hà Hội là một ví dụ. Chị Hà có hai con đều đang học ở trường tiểu học Ngọc Lâm. Trước thềm năm học mới, vợ chồng chị đã phải lo bỏ ra ngót nghét mười triệu đồng để đóng học và sắm sửa đầu năm cho bọn trẻ.

Nào là tiền học phí, xây dựng, đồng phục, sách vở, giầy dép… Tuy nhiên, tốn kém hơn cả lại là khoản học thêm của chúng.

Chị Hà không chỉ cho các con học thêm văn hóa tại trường mà chị còn cho chúng học thêm các lớp thể thao và âm nhạc tư thục. Thành ra, cứ đầu năm học là hai đứa con “cuỗm” đi của chị một món tiền không nhỏ.

Do chồng chị Hà làm nghề kinh doanh, thu nhập cũng có đồng ra đồng vào nên chị Hà không phải lo kiếm thêm bên ngoài mà chỉ “vắt óc” lên danh sách giảm chi để tiết kiệm được khoản tiền học cho con.

“Lo tiền đầu năm cho con, mấy tháng nay mình đã không dám sắm sửa áo quần gì cho bản thân,” chị Hà tâm sự./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục